VKSND Cấp cao tại TP.HCM thực hiện Phiên Tòa Rút Kinh Nghiệm các vụ án Hành Chính và Kinh Doanh Thương Mại

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã được nêu rõ trong Kế hoạch số 03/KH-VC3-VP ngày 10/01/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) về công tác kiểm sát năm 2019.
Ngày 30/8/2019, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức 02 phiên tòa rút kinh nghiệm do Kiểm sát viên cao cấp Phạm Công Minh – Phó Trưởng phòng Giám đốc thẩm Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính – thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp gồm:
1. Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” xảy ra tại huyện G., tỉnh T. do người khởi kiện là ông Trần Văn K. kháng cáo đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2019/HC-ST ngày 24/01/2019 của TAND tỉnh T.
Tóm tắt nội dung vụ án: Chủ tịch UBND tỉnh T. ban hành Quyết định số 37/QĐ-UB ngày 30/3/1998 bác khiếu nại của ông Trần Văn B.; công nhận và giữ nguyên Quyết định số 901/QĐ-UB ngày 17/12/1994 của UBND huyện G. có nội dung buộc ông Trần Văn B. giao cho bà Nguyễn Thị H. 0,6ha đất. Ông Trần Văn B. không tiếp tục khiếu nại đối với Quyết định 37. Năm 2006, ông Trần Văn B. chết. Năm 2011, bà Nguyễn Thị H. có đơn yêu cầu thi hành nhưng do UBND huyện G. không tổ chức thi hành được nên Chủ tịch UBND tỉnh T. ban hành Quyết định số 2311/QĐ-UBND ngày 12/10/2015 điều chỉnh Quyết định 37 có nội dung buộc ông Trần Văn K. (con ông Trần Văn B.) và bà Nguyễn Thị H. (con dâu ông Trần Văn B.) giao trả đất cho bà Nguyễn Thị H. Ông Trần Văn K. và bà Nguyễn Thị H. khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy Quyết định số 2311. Tòa án cấp sơ thẩm đã xử bác yêu cầu khởi kiện. Ngày 30/01/2019, người khởi kiện có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Do đại diện người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm (có đơn xin xét xử vắng mặt) nên Kiểm sát viên đã phối hợp cùng Hội đồng xét xử hỏi đại diện người khởi kiện về nội dung kháng cáo cũng như yêu cầu khởi kiện. Thông qua việc hỏi, Kiểm sát viên cũng đã thực hiện việc viện dẫn tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ ở giai đoạn sơ thẩm để giải thích các qui định pháp luật có liên quan đến nội dung vụ án, nội dung kháng cáo để đại diện người khởi kiện hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình cũng như hiểu rõ hơn bản chất của vụ việc là việc UBND ban hành các quyết định từ sau khi có Quyết định 37 là để giải quyết cùng một vấn đề là buộc các bên tranh chấp thực hiện Quyết định 37. Kết thúc phần hỏi và tranh luận, Kiểm sát viên đã phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của Hội đồng xét xử, của người khởi kiện và quan điểm giải quyết vụ án. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã chấp nhận quan điểm phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, bác kháng cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
KSV cao cấp Phạm Công Minh kiểm sát xét xử tại phiên tòa phúc thẩm
2. Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là Công ty E.B.V (Hà Lan) với bị đơn là Công ty TNHH. Dinh dưỡng L.V (Công ty L.V) do bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 1117/2018/KDTM-ST ngày 20/8/2018 của TAND thành phố H.
Tóm tắt nội dung vụ án: sau khi ký kết và thực hiện hoàn tất hợp đồng mua bán số 01 ngày 08/8/2013, Công ty L.V tiếp tục thỏa thuận qua điện thoại và thư điện tử để mua của Công ty E.B.V nhiều đơn hàng khác. Tuy nhiên, sau đó Công ty L.V đã không thanh toán 09 đơn hàng nên Công ty E.B.V khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn cho rằng hợp đồng mua bán số 01 ngày 08/8/2013 vô hiệu vì người ký hợp đồng không phải là đại diện theo pháp luật của Công ty E.B.V và 09 đơn hàng sau đó cũng không phải là các hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực pháp lý nên đề nghị trả lại toàn bộ hàng hóa đã nhận cho nguyên đơn. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty L.V phải thanh toán tổng giá trị của 09 đơn hàng là 390.925 USD và số tiền lãi phát sinh tính đến ngày 23/7/2018 là 95.357,96 USD.
Bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do các thư điện tử giữa hai bên không phải là giao dịch mua bán hàng hóa và Công ty E.B.V đã phát hành các tài liệu là vận đơn có nội dung xác nhận Công ty L.V đã thanh toán tiền nên mới có thể thực hiện thủ tục Hải quan để nhận hàng về kho Công ty L.V.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn đã không giữ nguyên nội dung kháng cáo mà đã thừa nhận các giao dịch là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên nhưng cho rằng đã thanh toán cho nguyên đơn theo các vận đơn đã được dùng làm thủ tục thông quan phù hợp với thông lệ giao dịch quốc tế theo Công ước Brusell 1924. Ngoài ra, bị đơn còn nêu ý kiến là không đồng ý về chất lượng nên đã yêu cầu trả lại hàng nhưng do nguyên đơn không đồng ý nhận lại để đề nghị Tòa án xem xét bác yêu cầu của nguyên đơn và buộc nguyên đơn nhận lại số hàng đã giao theo các hợp đồng.
KSV tham gia hỏi bị đơn tại phiên tòa
Để có thể phát biểu được quan điểm giải quyết vụ án có sự thay đổi về nội dung, chứng cứ và căn cứ pháp lý so với hồ sơ kháng cáo đã nghiên cứu trước đó, Kiểm sát viên đã chủ động tham gia thẩm vấn các bên đương sự bằng các câu hỏi rõ ràng, có trọng tâm, làm rõ và giải thích cho các bên những vấn đề quan trọng nhất của vụ án như yêu cầu bị đơn chứng minh việc đã thanh toán 09 lô hàng bằng phương thức nào, nhưng bị đơn chỉ nói là nguyên đơn đã ký hậu bills mà không có chứng cứ nào khác để chứng minh; đồng thời kiểm sát viên cũng kiểm sát chặt chẽ hoạt động tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác. Kết quả phần thẩm vấn đã đủ cơ sở để kết luận các giao dịch trong vụ án đều là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên và bị đơn đã chưa thanh toán toàn bộ giá trị của các hợp đồng này vì bị đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh đã thanh toán như thế nào. Căn cứ kết quả phần thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phát biểu đề nghị HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm và sau khi nghị án thì HĐXX đã tuyên án vào lúc 13h30 cùng ngày, án tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm như quan điểm đề nghị của đại diện VKS.
KSV phát biểu quan điểm giải quyết vụ án
Sau khi kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tiến hành họp, rút kinh nghiệm chung theo đúng hướng dẫn của ngành. Tập thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức của đơn vị đã đưa ra thống nhất đánh giá cao kỹ năng của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm như xét hỏi, xử lý các tình huống mới phát sinh, tranh luận, đối đáp và phát biểu quan điểm giải quyết vụ án đúng pháp luật. Ngoài những ưu điểm, tập thể Kiểm sát viên công chức tham gia cuộc họp cũng đã nêu một số hạn chế cần rút kinh nghiệm như còn sử dụng các thuật ngữ phổ thông trong xã hội mà không sử dụng các thuật ngữ pháp lý là chưa phù hợp với quy định pháp luật có liên quan cũng như văn hóa trước Hội đồng xét xử. Ví dụ như “giao đất bằng miệng” thay vì “giao đất bằng lời nói”; không gọi “bên nguyên đơn” hay “bên bị đơn” mà gọi “bên này” và “bên kia”… Cuộc họp đi đến thống nhất những hạn chế này không lớn nhưng cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Kết quả của 02 phiên tòa rút kinh nghiệm này đã cho thấy yêu cầu ngày càng cao đối với Kiểm sát viên cao cấp Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh khi thực hiện kiểm sát xét xử các loại vụ án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến không chỉ pháp luật Việt Nam mà còn là pháp luật của các nước có liên quan và cả quy định pháp lý cũng như thông lệ quốc tế. Do đó, để có thể đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ Kiểm sát viên, công chức của Viện cấp cao 3 phải không ngừng hoàn thiện bản thân, chủ động tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ; đồng thời cũng phải tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo của cơ quan mà các phiên tòa rút kinh nghiệm là một trong những biện pháp đào tạo và tự đào tạo hết sức hiệu quả đối với không chỉ Kiểm sát viên trực tiếp tác nghiệp mà còn cả những người tham gia dự khán phiên tòa.
Lê Vân Anh – Viện 3