VKSND Tiền Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019

Ngày 08/7/2019, VKSND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Sau 6 tháng đầu năm 2019, VKSND tỉnh Tiền Giang  đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đơn vị đã kiểm sát chặt chẽ 100% các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; số vụ việc yêu cầu khởi tố tăng 02 vụ,; số vụ hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự tăng 01 vụ... qua đó bảo đảm mọi hành vi phạm tội đã phát hiện đều được xem xét khởi tố kịp thời, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Viện trưởng Nguyễn Văn Hòa phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thời gian qua VKS hai cấp tỉnh Tiền Giang chủ động kiểm sát chặt chẽ hơn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các hoạt động điều tra như  trực tiếp lấy lời khai người bị bắt, tạm giữ; kiểm sát 100% vụ án hình sự trong suốt quá trình khởi tố, điều tra. Ngành Kiểm sát Tiền Giang chủ động phối hợp với Tòa án lựa chọn, tổ chức 27 phiên tòa hình sự để rút kinh nghiệm; kết quả, chất lượng tranh tụng tiếp tục được nâng cao; không có bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; số kháng nghị được Tòa án xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội (100%); chủ động phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp xử lý nghiêm minh nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; điều tra 71 vụ án trọng điểm; tổ chức 09 phiên tòa dân sự để rút kinh nghiệm. Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử ban hành 30 kiến nghị trong giải quyết tin báo, 20 kiến nghị trong hoạt động điều tra, 10 kiến nghị trong hoạt động xét xử hình sự và 10 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Phó Viện trưởng Đoàn Tấn Minh trình bày báo cáo sơ kết
Năm 2019, Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp chống oan, sai như thực hiện nghiêm Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm trong quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ; gắn trách nhiệm của Viện trưởng, Thủ trưởng đơn vị đối với mỗi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; kiểm sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ban hành 03 kháng nghị, 10 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục những bản án, quyết định vi phạm pháp luật; tập trung thanh tra, kiểm tra trong nội bộ Ngành, để chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân có vi phạm liên quan đến oan, sai,…
Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát, trong đó ban hành 19  kháng nghị về án dân sự, hành chính, số kháng nghị được Tòa án xét xử chấp nhận vượt 20% chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội (19/21 kháng nghị, đạt 90%); thực hiện 10 cuộc kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án dân sự, ban hành 26 kiến nghị; 28 cuộc kiểm sát trực tiếp công tác tạm giữ, tạm giam; 96 cuộc thi hành án hình sự, ban hành 79 kiến nghị, 09 kháng nghị  yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm, chất lượng kháng nghị được nâng lên; tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 100%,  vượt 20% chỉ tiêu Nghị quyết số 111 của Quốc hội.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2019, đặc biệt là công tác trọng tâm năm 2019. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Viện trưởng Nguyễn Văn Hòa yêu cầu VKSND cần hai cấp tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tăng cường phối hợp giữa Kiểm sát viên với Điều tra viên, giữa lãnh đạo Viện kiểm sát với lãnh đạo Cơ quan điều tra, kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện để giải quyết những khó khăn vướng mắc; kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra, đảm bảo khi kết thúc điều tra phải đủ chứng cứ truy tố, hạn chế tối đa việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, tuyệt đối không để xảy ra đình chỉ điều tra do không phạm tội và Tòa án tuyên không phạm tội.
Phó Viện trưởng Hồ Hữu Nghị phát biểu chỉ đạo công tác giải quyết án hình sự
Bên cạnh đó cần nghiên cứu kỹ tính chất mức độ hành vi phạm tội và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm khi Cơ quan điều tra đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 3, Điều 29 Bộ luật Hình sự, nhất là đối với những vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông, tránh lạm dụng điều khoản này để đình chỉ điều tra; khi đình chỉ điều tra phải kịp thời báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng phụ trách khối hình sự VKSND tỉnh.
Đối với công tác kiểm sát hoạt động tư pháp phải tập trung xác định những nhiệm vụ trọng tâm, kiểm sát sâu một hoặc một vài lĩnh vực nhất định, tránh dàn trải, hình thức. Trong công tác kiểm sát giữ giam không để bức cung, nhục hình, thông cung, đảm bảo chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam; không để xảy ra quá hạn tạm giữ, tạm giam. Trực tiếp kiểm sát việc thu, chi tiền thi hành án, kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra tội phạm trong lĩnh vực này, kiểm sát các loại án có điều kiện thi hành, phân tích nguyên nhân án có điều kiện nhưng không tổ chức thi hành để có biện pháp kiến nghị với Ban Chỉ đạo thi hành án cùng cấp chỉ đạo tổ chức thi hành hoặc tháo gỡ khi có vướng mắc, khó khăn. Giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp phát hiện vi phạm của các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời kiến, kháng nghị yêu cầu khắc phục. Các đơn vị cần quán triệt thực hiện công tác kiến nghị phải tập hợp nhiều vi phạm để ban hành kiến nghị, tránh tình trạng chạy theo thành tích thi đua mà kiến nghị nhỏ lẻ vụ, việc. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác kháng nghị án dân sự, hành chính. Hạn chế án bị hủy liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát, phấn đấu từ nay đến cuối năm không có án hủy liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát hai cấp, điều động, chuyển đổi vị trí công tác phù hợp với nhu cầu nhiệm vụ; lựa chọn giới thiệu cán bộ tham gia cấp ủy các cấp, đảm bảo Viện trưởng VKSND cấp huyện phải tham gia cấp ủy và không phải là người địa phương. Các Trưởng phòng, Viện trưởng VKSND cấp huyện quán triệt công chức, người lao động đơn vị mình chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành, nhất là chấp hành nghiêm giờ giấc, trang phục ngành. Thanh tra thường xuyên thanh tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ, kịp thời nhắc nhỡ cán bộ, công chức trong đơn vị. Tập trung thanh tra công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng thanh tra đối với án bị hủy để điều tra, xét xử lại, án đình chỉ điều tra, án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, những vụ việc có dấu hiệu vi phạm và bị phản ánh./.
 Dương Thanh Quang – Phó Chánh văn phòng
                                             Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang