Ấn tượng tại một phiên tòa phúc thẩm dân sự

Ngày 01/4/2022, TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa giải quyết vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Mẽ với bị đơn là ông Trần Văn Nhân và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND thị xã Trảng Bàng. Vụ án có sự tham gia của Kiểm sát viên cao cấp Bùi Minh Nghĩa – Trưởng phòng phúc thẩm dân sự thuộc Viện kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Viện 2). Đây là phiên tòa rút kinh nghiệm, nhưng đọng lại trong tôi ấn tượng đối với vụ án này thật sự sâu sắc.
Đầu tiên, trong vụ án này, trong quá trình giải quyết vụ án thì cả nguyên đơn và bị đơn đều đã chết. Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn và bị đơn tiếp tục theo đuổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Một vụ án kéo dài từ năm 2016 đến nay và tạm đình chỉ nhiều lần với lý do “Tìm người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng”.
Thứ hai, vụ án này bản chất là chị, em kiện nhau với lý do “Đất cấp nhầm thửa” nên kiện đòi lại đất và yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ đã cấp cho bị đơn.
Thứ ba, vụ án đã được VKSND tỉnh kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, do kháng nghị không đảm bảo căn cứ pháp luật nên Kiểm sát viên cao cấp được sự ủy quyền của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã rút toàn bộ kháng nghị tại phiên tòa.
1
Toàn cảnh phiên toàn
Về nội dung vụ án, có thể tóm lược như sau: Phần đất tranh chấp có diện tích 2.334,4 m2, đất tọa lạc tại khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh do ông Trần Văn Nhân đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) số Đ 219134 ngày 21/7/2004. Nguyên đơn cho rằng: Nguồn gốc đất là do cha, mẹ để lại. Do hai cụ không để lại Di chúc nên bà Mát và bà Mẽ (chồng ông Nhân, bị đơn) tự phân chia nhau sản xuất, cụ thể thì bà Mẽ hưởng phần đất đồng có diện tích 7.039 m2 thửa 929, tờ bản đồ số 6 được cấp Giấy CNQSDĐ vào năm 1994. Bà Mát được sử dụng và được cấp Giấy CNQSDĐ diện tích 19.772 m2 vào năm 1998, trong đó có thửa 309 diện tích 1.962 m2 đo thực tế 2.334,4 m2 nằm trong phần diện tích đất của bà Mẽ. Năm 2002, bà Mát chết, năm 2004 thì ông Trần Văn Nhân là chồng bà Mát đã làm thủ tục sang tên để ông đứng tên toàn bộ diện tích đất 19.772 m2. Năm 2008 thì bà Mẽ phát hiện Giấy đất cấp cho bà sai vị trí nên có nộp lệ phí và yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, điều chỉnh thì xảy ra tranh chấp với ông Nhân, không Nhân xây hàng rào thì nguyên đơn có ngăn cản. Nay nguyên đơn yêu cầu phía bị đơn trả lại diện tích đất 2.334,4 m2 và yêu cầu hủy một phần Giấy CNQSDĐ đã cấp cho phía bị đơn đối với diện tích đất tranh chấp.
Trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ do nguyên đơn, bị đơn cung cấp và đã được đánh giá công khai tại Tòa án, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan quản lý Nhà nước, Tòa án hai cấp xác định việc cấp Giấy CNQSDĐ cho bị đơn là đúng trình tự, thủ tục luật định. Từ đó không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Điều này là phù hợp với lời phát biểu của đại diện VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa phúc thẩm nên được Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ quan điểm giải quyết.
Theo dõi diễn biến phiên tòa nói trên, ngoài việc học tập được kinh nghiệm xét xử của Kiểm sát viên có bề dày kiểm sát, thì đọng lại trong tôi là những ấn tượng khó phai về một phiên tòa kiểu mẫu. Đầu tiên, có thể thấy hình ảnh nghiêm túc, trang trọng của một phiên tòa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự (từ thủ tục bắt đầu phiên tòa, tranh tụng đến nghị án, tuyên án). Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã thể hiện rõ bản lĩnh và nhiệm vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 363/QĐ-VKSTC ngày 12/10/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm. Khi được hỏi về hoạt động tiến hành tố tụng của Hội đồng xét xử và hoạt động tham gia tố tụng của đương sự, Kiểm sát viên đã thể hiện rõ vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tư pháp, đánh giá từng hành vi tố tụng theo đúng quy định của pháp luật tố  tụng dân sự, từ đó, kiến nghị và yêu cầu khắc phục ngay tại phiên tòa.
Vụ án này sau khi có Bản án sơ thẩm, do không đồng tình với quan điểm giải quyết của Tòa án sơ thẩm nên VKSND địa phương đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, qua diễn biến phiên tòa cũng như đối chiếu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên đã mạnh dạn rút toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát địa phương với những lập luận vô cùng sắc sảo và logic. Những lập luận này của Kiểm sát viên đã được Hội đồng xét xử ghi nhận và chấp nhận. Điều làm tôi tâm đắc nhất trong vụ án này, ngoài việc phân tích những lý luận sắc bén theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật dân sự thì Kiểm sát viên khi tham gia tranh tụng đã chỉ ra những cái mất mát lớn hơn khi tranh chấp xảy ra. Đó là khi Kiểm sát viên trình bày quan điểm “Chị em kiện nhau, “nồi da nấu thịt” thì còn gì đau đớn hơn. Bản thân cả nguyên đơn và bị đơn đã mất thì con cháu lại tiếp tục theo đuổi vụ kiện, với tài sản tranh chấp lại là của ông, bà cố ngoại để lại thì tự hỏi khi có được tài sản đó rồi thì liệu có đáng tự hào hay không. Bên cạnh đó, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước chỉ công nhận cho chủ thể sử dụng đất với những điều kiện và quy định thỏa mãn theo quy định của pháp luật đất đai. Chỉ trên cơ sở đăng ký, kê khai thì Nhà nước mới công nhận quyền sử dụng đất cho chủ thể đó. Do đó, việc nguyên đơn cho rằng cấp nhầm thửa đất nhưng  bản thân không đưa ra được chứng cứ chứng minh (trong Đơn đăng ký quyền sử dụng đất của bà Mẽ không đăng ký thửa đất tranh chấp; nguyên đơn không quản lý, sử dụng đất và không chứng minh được đây là di sản do cha mẹ để lại hợp pháp cho nguyên đơn) nên không được chấp nhận là phù hợp với quy định của pháp luật”. Trên cơ sở những phân tích vô cùng thuyết phục và hợp tình, hợp lý của Kiểm sát viên, phía nguyên đơn đã không còn căng thẳng và mâu thuẫn cũng đã dịu bớt phần nào.
Trong giai đoạn nền kinh tế thị trường đang chuyển mình mạnh mẽ, thì những truyền thống đạo lý, những nền tảng đạo đức của cha ông dường như đã bị sức mạnh kinh tế chi phối và đảo lộn. Được tham gia một phiên tòa với nhiều diễn biến hay, tranh luận sôi nổi, là một Kiểm sát viên trẻ, tôi tự ngẫm ra thật nhiều điều và tự hứa với mình rằng cần phải phấn đấu hơn nữa để tiếp nối truyền thống cha anh, giữ mãi 08 chữ vàng mà Bác đã dạy cho ngành Kiểm sát nhân dân “Công minh – Chính trực – Khách quan – Thận trọng- Khiêm tốn”.
Th.sỹ Nguyễn Nam Hưng – KSV Trung  cấp Viện 2