Pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung đã có quá trình hình thành và phát triển cùng với pháp luật dân sự không chỉ ở thế giới mà còn cả Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn giải quyết tranh chấp đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này lại chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến mỗi cấp Toà án lại có quan điểm, đường lối khác nhau. Trong đó, tranh chấp đặt cọc là một trong những tranh chấp có thể nói là điển hình và phức tạp nhất. Để có thể thống nhất trong việc giải quyết tranh chấp loại hình tranh chấp này, cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định về giải quyết tranh chấp đặt cọc. Vừa qua, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp đặt cọc (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Điều này là vô cùng cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp đặt cọc, đặc biệt là tranh chấp đặt cọc để bảo đảm cho việc giao kết, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi có một vài ý kiến góp ý đối với Dự thảo.