Ngày 27/7 hàng năm luôn là khoảng thời gian đặc biệt ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam. Bởi khẩu hiệu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ngày hôm nay sẽ không thể trở thành sự thật nếu ngày ấy không có sự hi sinh to lớn của các Anh hùng - Liệt sĩ cách mạng kiên trung. Từ trong trường kì chiến đấu cam go và ác liệt, những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam đã một lần nữa làm nên những chiến công phi thường lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong đó, ngoài những chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân thì còn có cả tầng lớp nông dân, công nhân, trí sĩ yêu nước. Vì yêu nước nên họ sẵn sàng xếp bút nghiêng lên đường ra mặt trận đầy hiểm nguy, gian khổ để chiến đấu giải phóng dân tộc. Họ cũng sẵn sàng nói lời từ tạm đối với cha mẹ, vợ chồng và con cái dù chẳng thể biết trước ngày về… Những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ.
Nhà bia Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên (Ảnh: Sưu tầm Internet)
"Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử" - câu nói bất hủ của Chiến sĩ Nguyễn Viết Ninh khắc trên báng súng trước khi anh dũng hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên. Tinh thần bất khuất, dũng cảm và kiên cường ấy đã được hun đúc và truyền giữ qua lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ trong mưa bơm bão đạn, trong cái khắc nghiệt tận cùng của cuộc chiến tranh vệ quốc và thống nhất đất nước, các vị Anh hùng - Liệt sĩ đã khiến thế hệ hiện tại hiểu sâu sắc một điều rằng không có gì quý hơn độc lập, tự do. Để có được ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay, ông cha ta đã trả một cái giá vô cùng đắt đỏ.Thắp nhang và nến tưởng nhớ công lao hi sinh của Thương binh - Liệt sĩ Việt Nam nhân ngày 27/7 hàng năm (Ảnh: Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố)
Đồi A1 hiên ngang, bất khuất trong kháng chiến chống thực dân Pháp
Cuộc chiến đấu tại Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ chiều ngày 30/3/1954, ta và địch giành nhau từng ụ súng, tấc đất, từng đoạn chiến hào. Địch liên tục phản kích, các trung đoàn của ta đánh công kiên nhiều ngày nhưng chỉ chiếm được một phần Đồi A1. Thời điểm quyết định số phận của cứ điểm A1 là 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 khi khối bộc phá gần 1.000kg được chiến sĩ Nguyễn Văn Bạch điểm hỏa làm rung chuyển toàn bộ chiến trường. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1, kết thúc trận quyết chiến chiến lược tại điểm cao phòng ngự then chốt của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Di tích Liệt sĩ Đồi A1, địa phận phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (Ảnh: sưu tầm Internet)
Củ Chi - Đất thép, thành đồng trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ
Nhắc đến Củ Chi “đất thép, thành đồng” không ai là không biết. Những chiến công và lối đánh du kích sáng tạo của quân và dân Củ Chi đã làm cho bè lũ xâm lược bao phen kinh hồn bạt vía.
Trái tim thành chiến hào. Ánh mắt hóa vì sao. Bàn tay thành lưỡi kiếm - Lời bài văn trên bia tưởng niệm ở Đền Liệt sĩ Bến Dược, địa đạo Củ Chi (Ảnh: sưu tầm Internet)
Thời kì kháng chiến chống quân xâm lược, quân và dân Củ Chi đã duy trì cuộc kháng chiến trường kỳ bằng tất cả ý chí, nghị lực mãnh liệt và niềm tin sắt đá vào ngày thắng lợi. Củ Chi trở thành biểu tượng của sức sống bất diệt, luôn mang cái khí phách, cái hồn của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, dựa vào dân mà chiến đấu. Từ sâu trong lòng đất, đội quân du kích Củ Chi thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh tan hàng trăm trận càn của địch dù chúng sở hữu đầy đủ các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất bấy giờ. Và cuối cùng, chiến tranh nhân dân đã giành thắng lợi oanh liệt trước mưu kế chiến tranh hiện đại của đế quốc và tay sai.
Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với Thương binh - Liệt sĩ qua lịch sử hơn 70 năm
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm các chính sách nhằm thể hiện tinh thần đền ơn, đáp nghĩa với các thế hệ tiền nhân. Đối tượng là Thương binh - Liệt sĩ, thân nhân của họ và gia đình chính sách luôn được chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện để cải thiện cuộc sống, các ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, bổ sung, hoàn thiện nhằm thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Các phong trào đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.
Viết về thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của ngành Kiểm sát nhân dân
Để có được một đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng về mọi mặt như ngày nay, nhân dân ta đời đời nhớ ơn các Anh hùng - Liệt sĩ. Ngày 27/7 hàng năm luôn được ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức trang trọng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những đóng góp của các Thương binh - Liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa; đồng thời khẳng định, toàn ngành Kiểm sát sẽ luôn có những hoạt động thiết thực trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các Thương binh, gia đình Liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng đã và đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng thời, việc duy trì và thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa nói trên cũng là góp phần tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng… cho cán bộ, Kiểm sát viên, công chức, Đoàn viên thanh niên ngành Kiểm sát nhân dân.
Đoàn viên Chi đoàn Viện cấp cao 3 thắp nhang và nến tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố (Ảnh: Tư liệu Viện cấp cao 3)
Tại Viện cấp cao 3, chúng tôi - những cán bộ, Kiểm sát viên, Đoàn viên thanh niên nguyện tiếp tục tận tâm, tận sức học tập, lao động và cống hiến để đóng góp vào sự trường tồn, phát triển của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc bảo vệ nền Tư pháp nước nhà, góp phần thành công xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Từ đó, nêu cao tinh thần tự thân nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền Tư pháp trong sạch, vững mạnh, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.
Huỳnh Tấn Thành - Văn phòng