Một số vấn đề liên quan đến việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vụ án hành chính.

Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Viết tắt là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. 

Hiện nay, cùng với số lượng các vụ án hành chính ngày càng tăng, các vụ án liên quan đến việc yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng ngày càng tăng và chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số các vụ án hành chính. Tuy nhiên, việc hủy một phần hay toàn bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng còn có những quan điểm khác nhau và quy định không thống nhất, cụ thể:

1. Tại Văn bản số 837/TCQLĐĐC-ĐKĐĐ ngày 11/5/2021 của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về tăng cường biện pháp hủy Giấy chứng nhận đã cấp có nội dung: “... pháp luật đất đai không có quy định hủy một phần Giấy chứng nhận đã cấp... Việc quyết định hủy một phần diện tích trong Giấy chứng nhận đã cấp là không phù hợp với quy định của pháp luật, không hủy bỏ được giá trị pháp luật của Giấy chứng nhận, dẫn đến rủi ro khi Giấy chứng nhận đã cấp vẫn còn tồn tại...”.

2. Tại Văn bản số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử. Tại mục 1 Phần IV (trang 16) có nội dung: “Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chung cho nhiều thửa đất riêng biệt; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng quy định pháp luật, nhưng có sai sót đối với một hoặc một số thửa đất về diện tích, tứ cận hay loại đất và phần này độc lập, không ảnh hưởng đến phần còn lại thì Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với thửa đất hoặc những thửa đất có sai sót)…”.

3. Thực tế xét xử tại TAND các cấp hoặc trong cùng một Tòa án cũng có những quan điểm khác nhau:

3.1. Một số Tòa án tuyên xử hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điển hình như: Bản án hành chính sơ thẩm số 39/2023/HC-ST ngày 26/4/2023 của TAND tỉnh LA, Bản án hành chính sơ thẩm số 56/2023/HC-ST ngày 22/5/2023 của TAND tỉnh B, Bản án hành chính sơ thẩm số 39/2023/HC-ST ngày 21/6/2023 của TAND tỉnh L, Bản án hành chính sơ thẩm số 40/2023/HC-ST ngày 22/6/2023 của TAND tỉnh L, Bản án hành chính sơ thẩm số 41/2023/HC-ST ngày 27/6/2023 của TAND tỉnh L, Bản án hành chính sơ thẩm số 43/2023/HC-ST ngày 12/7/2023 của TAND tỉnh L, Bản án hành chính sơ thẩm số 12/2023/HC-ST ngày 25/8/2023 của TAND tỉnh BT.

3.2. Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 539/2022/HC-PT ngày 22/7/2022 của TAND cấp cao tại Thành phố H đã nhận định: Theo Văn bản số 837/TCQLĐĐC-ĐKĐĐ ngày 11/5/2021 của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về tăng cường biện pháp hủy Giấy chứng nhận đã cấp có nội dung: “... pháp luật đất đai không có quy định hủy một phần Giấy chứng nhận đã cấp... Việc quyết định hủy một phần diện tích trong Giấy chứng nhận đã cấp là không phù hợp với quy định của pháp luật, không hủy bỏ được giá trị pháp luật của Giấy chứng nhận, dẫn đến rủi ro khi Giấy chứng nhận đã cấp vẫn còn tồn tại...”. Trong trường hợp nhận thấy việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp là trái pháp luật, thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tuyên hủy bỏ toàn bộ Giấy chứng nhận đã cấp mới đúng quy định. Từ đó tuyên xử hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và giao hồ sơ cho TAND tỉnh LA thụ lý, giải quyết lại theo thủ tục chung.

3.3. Tuy nhiên, trong một vụ án khác có cùng bản chất nội dung, tại Bản án hành chính phúc thẩm số 898/2023/HC-PT ngày 29/9/2023 ngày TAND cấp cao tại Thành phố H đã tuyên xử không chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 25/QĐ-VKS-HC ngày 19/5/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố H, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 39/2023/HC-ST ngày 26/4/2023 của TAND tỉnh LA. Việc tuyên hủy này là khác so với nội dung tuyên của Bản án phúc thẩm số 539/2022/HC-PT nêu tại điểm 3.2.

4. Liên quan đến việc Tòa án tuyên hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và nội dung Công văn giải đáp của TAND tối cao, cá nhân tác giả có nhận định và đánh giá như sau:

4.1. Việc hướng dẫn của TAND tối cao tại Văn bản số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023, cũng như việc tuyên án của Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Thành phố H tại Bản án hành chính phúc thẩm số 898/2023/HC-PT ngày 29/9/2023 và việc tuyên hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số Tòa án như đã nêu tại điểm 3.1 là không phù hợp với Văn bản số 837/TCQLĐĐC-ĐKĐĐ ngày 11/5/2021 của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai của Chính phủ).

4.2. Về công tác thi hành án:

- Trường hợp đương sự không hợp tác (người bị hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) không tự nguyện nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sẽ gây khó khăn cho việc thi hành Bản án. Theo đó, chính quyền phải thực hiện thêm một thủ tục hành chính là ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kéo dài thời gian thi hành án.

- Nếu đương sự có thắc mắc, khiếu nại thì phải thực hiện thêm quy trình giải quyết khiếu nại (thêm thời gian), làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

4.3. Về quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn:

- Công tác quản lý hành chính không được cập nhật kịp thời theo Bản án, không chính xác giữa pháp lý với thực tế sử dụng; giữa hồ sơ lưu trữ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thực tế người sử dụng (bên bị hủy 01 phần Giấy chứng nhận).

- Tiềm ẩn phát sinh các tranh chấp dân sự, gây mất ổn định trật tự xã hội trên địa bàn (do chưa điều chỉnh phần diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị tuyên).

Từ những cơ sở nêu trên, quan điểm của cá nhân tác giả trong trường hợp này cần tuyên hủy toàn bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cơ quan quản lý hành chính Nhà nước điều chỉnh diện tích như Văn bản số 837/TCQLĐĐC-ĐKĐĐ ngày 11/5/2021 của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp quy định pháp luật và tính thống nhất trong quản lý hành chính Nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước. 

                                                                        Chử Thị Định – Viện 3