Trong cái bất chợt của tiết trời lúc nắng lúc mưa của những ngày hạ đầu tháng 7, vươn tầm mắt ra ngoài ô cửa sổ kính pha lê cũ đã nhuốm màu thời gian hơn ba mươi năm, tôi nhìn ngắm dòng người vội vã bên ngoài, dường như ai cũng đang tất bật chạy đua với chính cuộc đời của mình. Chắc chắn là sẽ không ai giống ai cả, bởi mỗi người chúng ta từ khi sinh ra đã mang trên vai những trách nhiệm gánh vác. Từ những điều cơ bản với “cái mác” hết sức đời thường mà chúng ta hay gọi là “cơm, áo, gạo, tiền” cho đến thứ cao cả hơn đấy là những sứ mệnh phụng sự, tất cả được tạo nên qua từng lăng kính nhân sinh quan riêng của mỗi người. Và với tôi, một thành viên, một nhân tố nhỏ nhoi trong ngành Kiểm sát nhân dân hiện tại, tôi nhận thức được rằng sứ mệnh của mình là góp phần mang đến công lý, chính nghĩa và xây dựng niềm tin yêu của Nhân dân đối với ngành Kiểm sát. Mỗi một đồng chí, đồng đội, một cán bộ Kiểm sát dù là ở cấp bậc nào, đơn vị nào thì cũng luôn phải hành động, chiến đấu trong cuộc chiến vô cùng cam go với cái xấu, cái ác để tìm ra sự thật và bảo vệ lẽ phải, có như vậy mới xứng đáng với sự tin tưởng giao phó và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Màu áo thiên thanh của Kiểm sát viên (Ảnh: Tư liệu Viện cấp cao 3)
Lịch sử hình thành của ngành Kiểm sát Nhân dân
Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 26/7/1960 là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của cơ quan VKSND trong hệ thống bộ máy Nhà nước ta. Trải qua 64 năm với những thay đổi, cải cách nhưng đến nay thì ngành KSND vẫn được tin tưởng giao phó nhiệm vụ là bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đồng thời góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Bên cạnh đó, hai chức năng chính của ngành Kiểm sát là Thực hành quyền công tố và Kiểm sát hoạt động tư pháp (THQCT và KSHĐTP) của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Và ngày 26/7 hàng năm, được xem là Ngày Truyền thống của ngành KSND, đối với thế hệ đi sau như chúng tôi thì ngày này chính là một ngày trọng đại nhắc nhớ về những trang sử vàng mà ngành KSND đã trải qua trong hơn sáu mươi năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn đại biểu VKSND tối cao Liên Xô nhân dịp Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam ( Nguồn: Sưu tầm Internet )
Mối duyên với ngành Kiểm sát nhân dân
Cách đây 2 năm, khi vô tình xem được bộ phim truyền hình “Sinh tử”, mà sau này đến tận khi công tác trong đơn vị, tôi mới vỡ lẽ hóa ra bộ phim này chính là “sản phẩm đặt hàng” của ngành Kiểm sát nhân dân với mục đích tuyên truyền. “Sinh tử” là bộ phim thể loại chính luận, phản ánh cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt chống tội phạm tham nhũng và vai trò của VKSND trong cuộc đấu tranh này; đồng thời, khắc họa đậm nét hình ảnh và công việc của các Kiểm sát viên. Và cũng chính bộ phim này đã gợi lên cho tôi ước mơ về một ngày nào đó, mình được kề vai, sát cánh đứng trong hàng ngũ những người cán bộ Kiểm sát.
Từ những ngày đầu tập tễnh bước vào đơn vị VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) cho đến nay, tôi nhận ra công việc của một Kiểm sát viên là không hề đơn giản. Cái màu hồng trước đó khi nghĩ về nghề Kiểm sát viên đến nay đã trở nên thực tế hơn hẳn. Bởi với một người cán bộ Kiểm sát, dù là ở cấp bậc hay đơn vị nào, dù ở Văn phòng hay các Viện nghiệp vụ thì mọi người đều luôn có những khó khăn và vất vả riêng. Trọng trách của Ngành phải luôn được bảo đảm bởi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sự tinh thông về pháp luật nhưng điều tối quan trọng vẫn là đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát.
Hình ảnh người cán bộ Kiểm sát với màu áo thiên thanh được khắc họa trong bộ phim truyền hình “Sinh tử” (Ảnh: Tư liệu phim truyền hình)
“Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy quyền không thể khuất phục” là câu nói của Bác Hồ, đó vừa là lời huấn thị mà cũng là nguồn động lực tinh thần to lớn mỗi khi chúng tôi cảm thấy khó khăn trên hành trình bảo vệ công lý đầy gian truân, lắm khi còn đổ cả máu và nước mắt. Tại đơn vị Viện cấp cao 3, nơi tôi đang công tác, cũng như trong toàn ngành KSND, công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng bên cạnh công tác xây dựng Ngành. Bên cạnh các chủ trương, phương châm, định hướng hành động mang tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, Ban lãnh đạo Viện, lãnh đạo Văn phòng và các Viện nghiệp vụ còn phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị, qua đó đã khơi gợi được lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và lực lượng Kiểm sát viên nói riêng trong thực thi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nên những người cán bộ, công chức, Kiểm sát viên thực sự “Giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật”. Đó không chỉ là mục đích, tôn chỉ hoạt động xuyên suốt trong hơn 60 năm của Ngành mà qua đó còn thể hiện được sức mạnh nội sinh được quy tụ một cách hiệu quả, hiệu lực từ sự ủng hộ nhất quán của toàn thể cán bộ, công chức, Kiểm sát viên và người lao động trong ngành KSND. Xuất phát từ tính chất của công tác Kiểm sát là việc phát hiện, đấu tranh với vi phạm, tội phạm, đụng chạm đến sinh mệnh, tự do, danh dự và nhân phẩm của con người, do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát phải thực sự có tầm và có tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách khách quan, chính xác và công bằng. Một Kiểm sát viên tốt là người phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn chọn và kiên quyết bảo vệ lẽ phải, sự thật.
Hội nghị giao ban công tác giữa Viện cấp cao 3 và 23 VKSND cấp tỉnh, thành phố phía Nam (Ảnh: Tư liệu ảnh Viện cấp cao 3) Hình ảnh Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại một phiên tòa (Ảnh: Tư liệu Viện cấp cao 3)
Màu áo thiên thanh, nơi công lý ngự trị
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Quốc hội, sự kì vọng của Nhân dân và cũng không thể thiếu đó là sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp thì cho đến nay ngành Kiểm sát vẫn đang hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Bằng sự hiệu quả trong công tác kiểm sát, Viện kiểm sát các cấp từ Trung ương đến địa phương đã luôn thể hiện được tính chiến đấu toàn diện trong công cuộc bảo vệ nền Tư pháp và xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN. Tại đơn vị Viện cấp cao 3, từ công tác chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát cho đến công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng chuyên sâu phù hợp với thực tiễn đấu tranh với các loại tội phạm mới, tội phạm phi truyền thống; kiện toàn bộ máy làm việc; đề cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Kiểm sát viên có uy tín, tinh thông pháp luật, chuyên nghiệp, tận tụy và trách nhiệm… luôn là những mối quan tâm lớn của tập thể Ban Lãnh đạo Viện trong kế hoạch công tác hằng năm nhằm xây dựng đơn vị vững mạnh.
Đội ngũ Kiểm sát viên Viện cấp cao 3 tuyên thệ trong buổi Lễ nhận quyết định bổ nhiệm (Ảnh: Tư liệu Viện cấp cao 3)
Bác Hồ đã từng đưa ra quan điểm khi bàn luận về ngành Kiểm sát rằng “Tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển; tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ Nhân dân”. Đây là một lời khẳng định mà cho đến nay vẫn còn mang đậm tính thời sự và đúng đắn, qua hơn 60 năm hình thành và phát triển thì ngành Kiểm sát vẫn đang gánh vác và thực hiện tốt sứ mệnh của màu áo thiên thanh. Kiểm sát viên phải thực sự là những người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trước trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đó là quyền thực thi pháp luật, bảo vệ tốt nền Tư pháp nước nhà để qua đó phụng sự đất nước, phụng sự Nhân dân. “Cán bộ Kiểm sát phải luôn công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”, những chữ vàng Bác tặng này cũng chính là để cơ sở xây dựng nên hệ giá trị cốt lõi của những người chiến sĩ ngành Kiểm sát, những người đang khoác trên mình màu áo thiên thanh đầy danh giá, tự hào và cũng chính là nơi mà công lý ngự trị.
“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” là nội dung mười chữ vàng mà Bác đã tặng ngành KSND. (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Là một cán bộ trẻ tại đơn vị Viện cấp cao 3, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các anh, chị đi trước và đồng chí, đồng đội. Những kiến thức được truyền đạt và thấm nhuần qua thời gian giúp cho tôi càng thêm tự hào về công việc đang làm và khát khao ước mơ được đứng vào hàng ngũ Kiểm sát viên. Tôi tin rằng những ngày tháng gian truân, vất vả hôm nay sẽ là hành trang cần thiết giúp tôi trưởng thành hơn trên chặng đường sự nghiệp của mình.
Huỳnh Tấn Thành - Văn phòng