“Nền báo chí cách mạng Việt Nam qua lịch sử 99 năm hình thành và phát triển(21/6/1925 - 21/6/2024)”
Xuyên suốt trong chiều dài lịch sử của Đảng và Nhà nước, báo chí luôn đóng vai trò quan trọng là một công cụ ngôn luận sắc bén. Chức năng và nhiệm vụ của ngành báo chí đã góp phần vào tuyên truyền thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này mang tính định hướng xã hội, là một hình thức đấu tranh trực tiếp trên mặt trận văn hóa tư tưởng, xây dựng một xã hội ổn định,nhân văn và tốt đẹp, đề cao sự chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.
Ảnh Bác Hồ và những bài báo thời kháng chiến ( Ảnh: sưu tầm internet)
Truyền thống vẻ vang 99 năm, đặc biệt là sau 38 năm thực hiện (đường lối Đổi mới) cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước đã mở ra cho nền báo chí cách mạng Việt Nam một sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc. Đội ngũ những người làm báo, theo đó cũng tăng nhanh về số lượng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao, làm chủ được những công nghệ làm báo hiện đại. Đặc biệt,trong bối cảnh của cuộc (Cách mạng Công nghiệp 4.0), xu thế phát triển về khoa học công nghiệp thi đó cũng là thuận lợi và thách thức đối với ngành báo chí.
Một số ấn phẩm, tờ báo truyền thống tại VN(Ảnh: Sưu tầm Internet)
Để xây dựng được “nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định, báo chí phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh thúc đẩy và góp phần tạo nên một sức mạnh nội tại bên trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, với truyền thống phát triển vẻ vang gần một trăm năm qua, đội ngũ những người làm báo, Nhà báo, phóng viên… đã và đang ngày càng nêu cao trách nhiệm, đạo đức nghề Báo, xây dựng bản lĩnh chính trị để xứng đáng với niềm tin, sự kì vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
“Báo chí đồng hành cùng Ngành Kiểm sát nhân dân”
Trong quá trình cải cách tư pháp của đất nước nói chung theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 và của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng, báo chí luôn là người bạn đồng hành kề vai sát cánh. Báo chí đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền; đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy dân chủ; kịp thời phát hiện và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả trong công tác cải cách tư pháp. Chức năng phản biện của báo chí thời gian qua thực sự là hình thức truyền thông quan trọng giúp ngành Kiểm sát có thêm thông tin, có nhiều góc nhìn đa chiều, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, tạo được niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Ngành.
Tại Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3), báo chí cũng đã có sự liên kết mật thiết và đóng góp vai trò “viết và nói” của mình vào trong việc tuyên truyền chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động của đơn vị. Trải qua quá trình hình thành và hoạt động theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện cấp cao 3 cũng đạt được những thành tựu nhất định, trong đó không thể thiếu sự đóng góp của ngành báo chí.Cụthể, bên cạnh sự phối kết hợp nói chung với các Tờ báo, trang báo như Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ Pháp luật (2 đơn vị Tạp chí và Báo trong hệ thống ngành Kiểm sát nhân dân, thuộc Viện tối cao), các đơn báo chí khác….và cá nhân những Nhà báo, phóng viên, biên tập viên và công tác viên tiêu biểu trong và ngoài đơn vị thì Viện cấp cao 3 cũng đã tự chủ động xây dựng một Trang thông tin điện tử (Trang TTĐT) để thực hiện các chức năng ngôn luận là đưa tin, tuyên truyền về nhiệm vụ, hoạt động của đơn vị một cách hiệu quả.
Trang Thông tin điện tử của đơn vị Viện cấp cao 3 (ảnh: tư liệu cơ quan)
Đây là kết quả của việc thực hiện theo Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TCKS ngày 23/8/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tuyên truyền và cũng là lần đầu tiên ngành Kiểm sát nhân dân có một Chỉ thị riêng của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác tuyên truyền. Theo đó, tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có Viện cấp cao 3 đã thành lập các Tổ tuyên truyền, xây dựng được 39 trang website trong toàn Ngành để thông tin, truyên truyền về kết quả hoạt động của từng đơn vị và của toàn Ngành trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm.
“Sự phối hợp và thắng lợi toàn diện của Ngành Kiểm sát nhân dân cùng nền báo chí cách mạng Việt Nam trong tương lai”
Thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Viện cấp cao 3 nói riêng cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với báo chí, trên tinh thần xây dựng, hiểu biết lẫn nhau, để có thể tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí một cách nhanh chóng , chính xác và có hiệu quả nhất; cùng nhau vì sự nghiệp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước và giáo dục chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Chủ trương trên nhằm nhấn mạnh rằng mỗi một ngành đều có một đặc thù riêng, nếu như ngành Kiểm sát với chức năng quan trọng là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, chuyên nghiệp và chính xác, tránh làm oan sai, bỏ lọt tội phạm thì đối với ngành báo chí, đặc thù là phải nhanh nhạy nhưng tuyệt đối cũng không thể thiếu tính xác thực.
Cuối cùng,mong rằng trong thời gian tới thì ngành Kiểm sát nhân dân và các cơ quan báo chí trong cả nước sẽ luôn là những người bạn đồng hành trên con đường xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đạt được thành công trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Huỳnh Tấn Thành - Văn phòng Viện cấp cao 3