Bàn về cơ chế bảo đảm thực hiện quyền im lặng trong tố tụng hình sự

KIEMSAT.VN - Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình; người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, quyền im lặng đã được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; tuy nhiên, trong thực tế, cơ chế bảo đảm thực hiện quyền này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Quyền im lặng đã được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Việc ghi nhận nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế. Quy định về quyền im lặng bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của nhiều cán bộ thực thi pháp luật trong các cơ quan công quyền cũng như của nhân dân. Mặc dù hiện nay, quyền im lặng chưa được quy định là một điều luật riêng, do quyền im lặng hiện vẫn là một vấn đề tương đối mới cả về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam.


Một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự thể hiện nội dung của quyền im lặng:

(1) Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

(2) Về trách nhiệm chứng minh, xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Điều 16 của Bộ luật này quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa”.

(3) “Quyền im lặng” đối với người bị tạm giữ được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người tạm giữ: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

(4) “Quyền im lặng” đối với bị can được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

(5) “Quyền im lặng” đối với bị cáo được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.


Như vậy, có thể thấy, quyền im lặng được thể hiện ở tất cả các giai đoạn từ điều tra, truy tố, xét xử. Theo tác giả, việc thực hiện quyền im lặng của người bị buộc tội trong giai đoạn truy tố là rất quan trọng. Vì trong giai đoạn truy tố, chủ thể tiến hành tố tụng là Viện kiểm sát, là cơ quan duy nhất có thẩm quyền đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan điều tra, có thẩm quyền để quyết định việc truy tố bị can bằng cáo trạng hay không. Với vai trò, chức năng nhiệm vụ là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Ttrong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện cải cách tư pháp là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, cần phải bảo đảm quyền của những người yếu thế trong tố tụng hình sự đó là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Và để đảm bảo thực hiện được quyền này, cần thiết phải có nhận thức đúng đắn về quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Do đó, để nâng cao nhận thức của cán bộ thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng và của Nhân dân về quyền im lặng, có thể đưa ra một số biện pháp sau:

Thứ nhất, những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng cần nâng cao trình độ nghiệp vụ, nắm vững các quy định của pháp luật nói chung, quyền được im lặng trong luật tố tụng hình sự nói riêng, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và của mỗi người dân về quyền im lặng được quy định trong Hiến pháp và trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ hai, trong gia đoạn đicần thống nhất nhận thức các quy định về quyền khai báo của người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra. Vì theo cách hiểu chung nhất thì "quyền im lặng" là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn, chứng kiến của luật sư. Nhưng “im lặng” không đồng nhất với “không khai báo” và hoàn toàn không được hiểu là không khai báo bất cứ điều gì trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Như vậy, im lặng chỉ được thực hiện trong một giới hạn nhất định, đó là khi chưa có người bào chữa thì người bị buộc tội sẽ có quyền không khai báo bất kỳ điều gì liên quan đến vụ việc, vụ án. Kể cả trong trường hợp có sự chứng kiến của người bào chữa thì họ cũng không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Thứ ba, cơ quan điều tra phải quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục giữ quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng là một cách công nhận gián tiếp “quyền im lặng” của người bị buộc tội. Điều đó có nghĩa là sau khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra và truy tố, xét xử vụ án, cho dù bị can, bị cáo có khai báo hay không thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải có trách nhiệm chứng minh sự thật của vụ án. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có vai trò hết sức quan trọng và chủ yếu trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh sự thật của vụ án. Vì vậy, cơ quan điều tra phải quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung; khắc phục triệt để biểu hiện đem “nguyên tắc suy đoán có tội” thay cho “nguyên tắc suy đoán vô tội” trong quá trình chứng minh tội phạm. Đây phải được xác định là việc thay đổi tư duy tố tụng mang tính căn bản và là đòi hỏi khách quan trong tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta.

Thứ tư, cần hoàn thiện các cơ chế kiểm soát các hành vi bức cung, nhục hình trong tố tụng hình sự. Tăng cường điều kiện vật chất, nhất là việc trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường, giám định, thu thập dữ liệu điện tử để cơ quan điều tra có đủ năng lực thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Đồng thời, bố trí các trang thiết bị hỗ trợ cho các Cơ quan tiến hành tố tụng khác để có thể giám sát hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra. Ngoài ra, những người bị buộc tội có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của người, cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế kiểm soát này để bảo đảm các hành vi hạn chế quyền im lặng chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết.

Thứ năm, Kiểm sát viên ngoài bản lĩnh nghiệp vụ, phải có niềm tin vững chắc về pháp luật về quyết định truy tố của Viện kiểm sát là chính xác, để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Cần phải nắm chắc, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các chứng cứ được sử dụng để buộc tội; do bị cáo sử dụng “Quyền im lặng”, nên Viện kiểm sát chỉ công bố các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố kết hợp với xét hỏi các bị cáo khác, bị hại, người làm chứng… tại phiên tòa. Đồng thời, cần xây dựng đề cương, kế hoạch xét hỏi chính xác, khoa học, đúng trọng tâm; trong đó cần chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ khoa học để kịp thời lập luận, bác bỏ các  tài liệu, lời khai nại của bị cáo (nếu có) và luật sư bào chữa đưa ra...

Thứ sáu, trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử cần tìm hiểu lý do, động cơ, mục đích mà bị cáo sử dụng quyền im lặng; đây là một yêu cầu quan trọng bởi phải xác định được nội dung này để tìm hiểu việc bị cáo sử dụng quyền im lặng là do bị ép buộc hay để cố tình làm khó các cơ quan tiến hành tố tụng, để che dấu tội phạm, người phạm tội. Ngoài ra, cần giải thích cho bị cáo hiểu về quyền im lặng, khi nào nên im lặng, khi nào không; việc không khai báo từ đầu, kể cả tình tiết pháp lý có lợi cũng như bất lợi;  trong trường hợp này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi cấu thành tội phạm thì vẫn xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ bảy, cần nâng cao công tác phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự nói chung, quyền im lặng nói riêng.

Thứ tám, quyền bào chữa là một quyền rất cần thiết của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Vì vậy, cần hoàn thiện các quy định để bảo đảm quyền được bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; nhằm tạo cơ chế để họ tự bảo vệ các quyền hợp pháp của mình khỏi sự xâm hại của người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Như vậy, có thể khẳng định, việc bảo đảm quyền im lặng là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Để bảo đảm thực hiện quyền im lặng, việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự phải được thực hiện theo hướng mở rộng và bảo đảm quyền con người trong quá trình giải quyết vụ án; bảo đảm quyền được bào chữa của người bị buộc tội; kiểm soát nghiêm ngặt việc hạn chế quyền con người trong quá trình giải quyết vụ án; bảo đảm những bản án kết tội không bỏ lọt tội phạm, tránh oan, sai; có biện pháp xử lý nghiêm minh các vi phạm quyền con người đã được Hiến pháp và Pháp luật quy định./.


Một số vụ án điển hình, được dư luận xã hội quan tâm mà bị cáo đã triệt để sử dụng quyền im lặng:

Ngày 22/6/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án “hoa hậu” Trương Hồ Phương Nga về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (16,5 tỷ). Tại phần thẩm vấn, khi trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát, Phương Nga đã nói: “Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh tội trạng của bị cáo, nghĩa vụ này là của cơ quan công tố”, dù được Tòa giải thích nếu bị cáo từ chối việc tự bào chữa cho chính mình thì cũng là một cách tự gây thiệt hại. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xét xử, Phương Nga vẫn kiên quyết sử dụng “Quyền im lặng” nhằm “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Ngày 29/6/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Sau đó, vụ án đã được cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với bị can.

Ngày 16/5/2018, phiên toà xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình được đưa ra xét xử. Trong phần xét hỏi, khi đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại toà tiến hành thẩm vấn “nhân vật chính” trong vụ án là bị cáo Hoàng Công Lương, 32 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình bị truy tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Lương trả lời, do bị Viện kiểm sát quy kết tội nên bị cáo xin được giữ quyền im lặng. Bị cáo uỷ quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội.


Ths. Phạm Thanh Huyền