Cán bộ, công chức Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (Viện 3) – Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh trong việc học tập tác phẩm “Sửa đối lối làm việc” của Bác Hồ

I. Sự cần thiết phải sửa đổi lối làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về sửa đổi lối làm việc
Tháng 10-1947, tại Việt Bắc với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Mục đích của tác phẩm là nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng. Tác phẩm có 6 phần chính: 
Phần I- Phê bình và sửa chữa 
Trong mục này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ cán bộ, đảng viên cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm để công việc ngày càng tiến bộ.
Muốn vậy, mỗi cơ quan phải tổ chức ủy ban học tập, đề ra kế hoạch nghiên cứu, thảo luận, kiểm tra và thực hành, xác định thời gian tài liệu và cách thức học tập. Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng nhằm khắc phục bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, hẹp hòi, bệnh ba hoa. 
Phần II- Mấy điều kinh nghiệm 
Tác phẩm trình bày và phân tích 6 kinh nghiệm căn bản sau đây: 
  1. Có cán bộ tốt việc gì cũng xong. 
  2. Chính sách đúng, nhưng cách làm chưa đúng thì kết quả chưa đạt. 
  3. Phải biết nghiên cứu kinh nghiệm.
  4. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái.
  5. Bất cứ việc gì cũng vì lợi ích của dân và chịu trách nhiệm với dân. 
  6. Cần khắc phục 2 chứng bệnh ở cán bộ là: Khai hội không có kế hoạch, chuẩn bị kỹ, không thiết thực, hiệu quả; Nể nang không phê bình, sợ mất lòng. 
Phần III- Tư cách và đạo đức cách mạng 
Mục này phân tích các vấn đề sau: 
  1. Phân tích 12 điều thuộc về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. 
  2. Nêu rõ phận sự của đảng viên và cán bộ: 
Một là, trong lợi ích của Đảng hơn hết. 
Hai là, coi trọng đạo đức các mạng: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. 
Ba là, phải giữ kỷ luật. 
Bốn là, đối với đảng viên thì số đông là vì dân, vì nước mà vào Đảng, nhưng có một số vì lẽ khác mà vào Đảng, vì thế phải cảm hóa họ, dạy dỗ họ, nâng cao sự hiểu biết và lòng phụ trách của họ.
Năm là, trong Đảng vì có những người chưa học được, làm được bốn chữ “Chí công vô tư” cho nên mắc phải chứng “Chủ nghĩa cá nhân”. Đó là thứ vi trùng rất độc gây ra các bệnh: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu bí mật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ; bệnh hữu danh vô thực, kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh lười biếng. 
Sáu là, Đảng viên phần nhiều là tốt, nhưng vẫn còn một số chưa bỏ hết thói xấu mang từ xã hội vào Đảng. Vì vậy phải cố sức sửa chữa, cho tiệt nọc các chứng bệnh để cho Đảng càng mạnh khỏe, bình an. 
Bảy là, Mỗi đảng viên, cán bộ cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải tự sửa chữa và giúp nhau sửa chữa
Tám là, đối với các khuyết điểm cần phân tích rõ ràng, cái gì đúng, các gì sai; ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm; khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa chữa những lỗi lầm; đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ; nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng. 
  1. Tư cách và bổn phận đảng viênHồ Chí Minh viết mục này căn cứ vào Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương. 
  2. Phải rèn luyện tính Đảng, mỗi cán bộ đảng viên cần phải có tính Đảng, đó là: Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và làm đến nơi đến chốn. Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, kém tính Đảng dẫn đến 12 căn bệnh: ba hoa, địa phương, danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hóa, thiếu ngăn nắp, lười biếng. 
Muốn khắc phục các căn bệnh cần phải: Kiểm tra nghiêm ngặt, kiên quyết thực hành nghị quyết có hiệu quả. Phê bình rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, chân thành để sửa chữa chứ không phải để công kích. Kiên quyết thi hành kỷ luật. Thực hiện khẩu hiệu: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. 
Phần IV- Vấn đề cán bộ 
Mục này phân tích 5 vấn đề cơ bản sau: 
  1. Cần phải huấn luyện nghề nghiệp, chính trị, văn hóa, lý luận cho cán bộ
  2. Phải biết rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ đúng, khéo dùng cán bộ, phân phối cán bộ cho hợp lý, giúp cán bộ cho đúng, giữ gìn cán bộ. 
  3. Lựa chọn cán bộ trung thành,hăng hái trong công việc, quan hệ mật thiết với dân, có thể giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn, luôn giữ kỷ luật. 
  4. Có 5 cách đối với cán bộ: Chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo, giúp đỡ. 
  5. Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ: Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ. 
Phần V- Cách lãnh đạo 
  1. Lãnh đạo và kiểm soát: Lãnh đạo đúng là quyết định mọi vấn đề cho đúng, tổ chức thi hành cho đúng, tổ chức kiểm soát cho đúng.  
  2. Lãnh đạo thế nào: một là,liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng; hai là,liên minh người lãnh đạo với quần chúng.  
  3. Học hỏi quần chúng, nhưng không theo đuôi quần chúng; phải theo tình hình của dân chúng; tập trung ý kiến của quần chúng, biến nó thành đường lối chỉ đạo; Kết hợp chỉ đạo từ trên xuống và phản ánh thông tin từ dưới lên. 
Phần VI- Chống thói ba hoa 
Mục này phân tích 2 vấn đề: 
  1. Thói ba hoa biểu hiện nhiều vẻ: dài dòng, rỗng tuếch, thói “cầu kỳ, khô khan, lúng túng, báo cáo lông bông, lụp chụp, cẩu thả, “sáo cũ”, nói không ai hiểu. Thói ba hoa gắn với bệnh chủ quan và hẹp hòi. 
  2. Cách chữa thói ba hoa: Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. Khi viết, khi nói, phải cố gắng làm cho ai cũng hiểu được. Chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chưa nói, chưa viết. Trước khi nói phải nghĩ cho chắc, phải sắp đặt ý cẩn thận sau khi viết phải xem đi, xem lại.
  3. Sự cần thiết phải học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về sửa đổi lối làm việc
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Đây là một tác phẩm có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm đã bao quát những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ các mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, lề lối, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên mà trung tâm là mối quan hệ giữa người với người. Cán bộ, đảng viên được coi là khâu trung tâm của các mối quan hệ ấy. Đảng viên, cán bộ là những chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Sửa đổi lối làm việc là khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa đổi cách lãnh đạo của Đảng để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân theo nguyên tắc dân làm chủ. 
Do vậy, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ra đời cách đây đã hơn 70 năm nhưng những luận điểm nêu trong tác phẩm còn nguyên giá trị nóng hổi trong tình hình nước ta hiện nay, đặc biệt với quá trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đổi mới đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong thời kỳ mới. 
  1. Đánh giá về lối làm việc của cán bộ, công chức Viện 3 – Viện cấp cao 3
Tính đến tháng 8/2018, Viện 3 - Viện cấp cao 3 có 14 cán bộ, công chức; Chi bộ Viện 3 có 13 đảng viên. Mặc dù với số lượng biên chế còn thiếu, khối lượng công việc nhiều, nhưng tất cả cán bộ, công chức trong Viện 3 đã nỗ lực phấn đấu trong việc giải quyết công việc được giao và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra.
Trong 09 tháng đầu năm 2018, khối lượng công việc tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng án nghiên cứu, lập hồ sơ phúc thẩm trong kỳ là 570 vụ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017; số lượng án phân công cho các đồng chí Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện 3 xét xử cũng tăng so với năm 2017. Chỉ tiêu kháng nghị phúc thẩm tăng từ 5% lên 10% so với tổng số án hủy, sửa; chỉ tiêu giải quyết đơn giám đốc thẩm phải đạt từ 60% trờ lên…
Mặc dù số lượng biên chế của Viện 3 chưa đáp ứng yêu cầu công tác nhưng mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị luôn xác định nhiệm vụ của mình là phải cố gắng giải quyết đạt số lượng, đồng thời phải đảm bảo chất lượng. Tất cả các bộ, Kiểm sát viên đều thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với công việc chung, tìm tòi, đổi mới phương thức làm việc nhằm tăng năng suất, giữ vững đoàn kết nội bộ, cùng nhau nỗ lực phấn đấu, hỗ trợ cho nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh công tác chuyên môn, một số đồng chí trong Viện 3 còn cố gắng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao kiêm nhiệm trong Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên; góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của Viện cấp cao 3.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặc tích cực đã đạt được, cán bộ và công chức Viện 3 cũng còn những mặt hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc như một số đồng chí chưa sử dụng hiệu quả thời gian hành chính cho công việc chuyên môn; trong công việc có một số Kiểm sát viên và cán bộ nghiên cứu trình bày chưa đúng theo các mẫu tờ trình, báo cáo; việc tóm tắt nội dung vụ án quá ngắn hoặc quá dài gây khó khăn, mất thời gian trong công tác duyệt án của lãnh đạo; một số các vụ án chưa được nghiên cứu kỹ đẫn đến tình trạng tham mưu không chính xác; quan điểm đề xuất không đưa ra căn cứ pháp lý cụ thể nên chưa thuyết phục được lãnh đạo trong việc duyệt án. Về chỉ tiêu nghiệp vụ thì tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm còn chưa cao do áp lực của công tác giải quyết án phúc phẩm.          
III. Các giải pháp nhằm sửa đổi lối làm việc của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:
Để từng bước khắc phục những những mặt hạn chế, thiếu sót trên, trong công tác Đảng cũng như công tác chuyên môn, Chi ủy và lãnh đạo Viện 3 luôn quán triệt đến toàn thể Đảng viên, cán bộ công chức tinh thần Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là sửa đổi lối làm việc, rèn luyện tư cách và đạo đức cách mạng, phê bình và sửa chữa, nói đi đôi với làm…
Trong các cuộc họp, Chi ủy và lãnh đạo Viện 3 luôn thẳn thắn chỉ ra những ưu, khuyết điểm của từng đồng chí, tạo ra bầu không khí cởi mở để các đồng chí tham dự cuộc họp mạnh dạn phê bình, góp ý đối với những đồng chí khác, đồng thời nhìn nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót của mình và cùng nhau tìm ra giải pháp khắc phục, từng bước sửa đổi thói quen xấu trong công việc, tẩy sạch khuyết điểm, tạo sự tiến bộ trong công việc. Mục đích của việc phê bình là để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, tránh làm mất đoàn kết nội bộ. Ví dụ như trong việc soạn thảo các tờ trình về đường lối giải quyết một vụ án cụ thể thì lãnh đạo Viện nhận xét cách viết của từng người, chỉ ra những ưu và khuyết điểm của mỗi cách viết để cho các đồng chí cùng học tập và rút kinh nghiệm. Lãnh đạo yêu cầu người đề xuất phải xác định viết cho ai xem, viết phải ngắn gọn, dễ hiểu, sắp đặt cẩn thận các ý, phải nghiên cứu thật kỹ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ trước khi viết tờ trình.
Nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch công tác năm 2018 của Viện cấp cao 3 và Chương trình công tác của Viện 3, lãnh đạo Viện 3 cùng tất cả công chức đã tìm tòi đưa ra nhiều giải pháp, sắp xếp công việc khoa học như phân án phúc thẩm đồng đều giữa cả hai phòng Phúc thẩm và Giám đốc thẩm; phân công Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp cùng nhau nghiên cứu bản án quyết định sơ thẩm, kịp thời phát hiện sai sót để kháng nghị, đảm bảo chỉ tiêu kháng nghị phúc thẩm; ưu tiên giải quyết những đơn đề nghị giám đốc thẩm sắp hết thời hạn kháng nghị hoặc đơn do cơ quan Nhà nước chuyển đến; thực hiện tốt công tác kiến nghị, rút kinh nghiệm nhằm phòng ngừa, làm giảm các vụ khiếu kiện hành chính…   
Trong công tác chuyên môn, cán bộ, công chức Viện 3 luôn luôn học tập, cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ lý luận chính trị nhằm tránh bệnh chủ quan, tức là bệnh kém lý luận hoặc lý luận suông. Với đặc thù là kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, tức là kiểm sát việc giải quyết mối quan hệ giữa một bên là Nhà nước và một bên là cá nhân, tổ chức. Do vậy, cán bộ, KSV không những có kiến thức chuyên sâu về pháp luật trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau mà cần phải có trình độ lý luận chính trị phù hợp. Trong việc đề xuất đường lối giải quyết vụ án hành chính, cán bộ, KSV giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa pháp luật và yêu cầu chính trị, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật và đáp ứng được tình hình chính trị địa phương.
Về tư cách đạo đức cách mạng, tất cả các đảng viên, cán bộ và công chức Viện 3 luôn nêu cao tinh thần đạo đức cách mạng, luôn rèn luyện tính đảng, chấp hành nghiêm túc kỷ luật của Đảng, nghiêm túc thực hiện bổn phận của người đảng viên và cán bộ. Trong công tác, Đảng viên và cán bộ Viện 3 luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của đất nước lên trước, Đảng viên có chức vụ, lớn tuổi luôn gương mẫu cho các Đảng viên, cán bộ khác noi theo.
IV. Kết luận:    
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức Viện 3 đã tự giác, tích cực học tập, nghiên cứu những nội dung cơ bản trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác. Qua đó, mỗi cán bộ, công chức liên hệ thực tế với nhiệm vụ, công việc được giao của bản thân và Chương trình công tác năm 2018 của Viện 3 để đưa ra những giải pháp nhằm thay đổi, cải tiến cách làm việc, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của Viện 3 nói riêng và Viện cấp cao 3 nói chung.
Huỳnh Đức Chiến – Viện 3
Viện cấp cao 3