Chi bộ Viện 2 - Hành trình về khu di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út

Sinh hoạt chuyên đề là sinh hoạt chi bộ chuyên sâu về một hoặc một vài nội dung có liên quan nhau được chi bộ thực hiện ít nhất mỗi quý một lần và không thay thế cho sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Trong cuộc sinh hoạt này, chi bộ Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự  - hôn nhân gia đình (Chi bộ Viện 2) tổ chức sinh hoạt chuyên đề dã ngoại về nguồn khu di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh và khu tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Tham dự sinh hoạt chuyên đề dã ngoại về nguồn cùng chi bộ Viện 2 có đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thế Thành, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí là Đảng ủy viên, cùng toàn thể đảng viên trong Chi bộ.

Đến với Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, đã được nhà văn Nguyễn Thi thể hiện một cách trung thực mà đầy tính sáng tạo trong quyển truyện ký Người mẹ cầm súng. Thông qua vai trò của văn học, nữ anh hùng Nguyễn Thị Út từ làng quê Tam Ngãi vươn mình trở thành biểu tượng điển hình rực rỡ của người phụ nữ miền Nam đánh Mỹ. Chính hình ảnh “Người mẹ cầm súng” Út Tịch với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh!” đã làm cho cả thế giới hiểu hơn về tính chính nghĩa, tính tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành lúc bấy giờ. Thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày, mỗi cán bộ, đảng viên của Chi bộ Viện 2 có dịp tìm hiểu một cách khái quát về hoàn cảnh xuất thân, quá trình tham gia kháng chiến và nhất là quyết tâm đánh giặc bảo vệ xóm làng không gì lay chuyển được của một người phụ nữ bình dị, sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo khó, trước một kẻ thù mạnh hơn gấp bội.

Tổ chức sinh hoạt chuyên đề xây dựng Đảng tại khu di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh có ý nghĩa về chính trị, giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi cán bộ, đảng viên về những trang sử hào hùng của dân tộc, công lao to lớn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đây cũng là dịp để mỗi đảng viên tìm hiểu về thân thế, cuộc đời bình dị của Bác, cũng như tìm hiểu về truyền thống đấu tranh anh dũng của quân dân Trà Vinh. Sau khi nghe tin Bác mất, để bày tỏ lòng kính yêu vô hạn, Đảng bộ, quân dân xã Long Đức đã quyết định xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Đền thờ được chính thức khởi công vào ngày 10/3/1970 tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, chỉ cách trung tâm đầu não của ngụy quyền tỉnh Vĩnh Bình cũ (nay là tỉnh Trà Vinh) chưa đầy 4 km, cách căn cứ quân sự của Mỹ 1,5 km, cách đồn Vĩnh Hưng của địch 800 m…Để giữ bí mật, toàn bộ công việc xây dựng đền đều phải làm vào ban đêm với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân từ già đến trẻ, gồm đủ thành phần các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở địa phương và các nơi khác trong tỉnh. Miệt mài gần 11 tháng vừa chiến đấu vừa xây dựng, bất chấp mọi gian khổ hy sinh trước sự càn quét, đánh phá điên cuồng của địch, Đảng bộ, quân dân xã Long Đức đã hoàn thành Đền thờ Bác Hồ và chính thức khánh thành vào đúng ngày 30 Tết Tân Hợi (nhằm ngày 26 tháng 1 năm 1971) . Chỉ sau 7 ngày khánh thành đã có trên 10.000 lượt người dân thuộc các tầng lớp nhân dân khắp nơi trong tỉnh đến thắp hương, tưởng nhớ vị cha già của dân tộc. Khi Đền thờ Bác được xây dựng xong, khí thế cách mạng của quân dân Trà Vinh càng dâng cao. Địch lo sợ và coi Đền thờ Bác như “cái gai trong mắt cần phải nhổ bỏ”, chúng tìm mọi cách đối phó, liên tục mở nhiều cuộc càn quét, ném bom, đốt phá…Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, không ngại hy sinh kiên quyết bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” kể từ khi xây dựng Đền thờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quân và dân xã Long Đức đã bẻ gãy hàng trăm trận càn quét, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên địch. Tháng 9/1989, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia . 

Đền thờ Bác Hồ không chỉ là biểu tượng bất diệt, tấm lòng son sắt của nhân dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây hiện là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Một số hình ảnh Chi bộ Viện 2 - Dâng hương tại khu di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Trà Vinh và khu tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út:

                                                                             Quang Vinh - Chi bộ Viện 2