Chi bộ Viện 3 sinh hoạt chuyên đề về nguồn tại Di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, tỉnh Bến Tre

Thực hiện Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Chương trình trọng tâm năm 2023 và Kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm 2023 của Chi bộ Viện 3, đồng thời để giáo dục và giữ lửa truyền thống yêu nước, giúp các thế hệ hiểu hơn giá trị của cuộc sống yên bình ngày nay, quyết tâm hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng của thế hệ cha ông. Ngày 01/12/2023, Chi bộ Viện 3 tổ chức sinh hoạt chuyên đề Về nguồn tại Khu di tích lịch sử Khu ủy Sài Gòn-Gia Định tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre còn có mật danh là T4, Y4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị Sài Gòn – Gia Định từ tháng 7/1969 đến tháng 10/1970. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995. 

Chi bộ Viện 3 chụp hình tại Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định

Cách đây 50 năm, vào tháng 7-1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó Bí thư đã lãnh đạo, chia thành nhiều bộ phận nhỏ, bằng nhiều hình thức bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ, đó là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng.

Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định qua những tư liệu lịch sử hiện vẫn còn được tỉnh bảo tồn, giới thiệu tại di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cùng tên, tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể đổ quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế.

Chỉ bằng những vật liệu thô sơ, chủ yếu là sử dụng những thứ có sẵn tại chỗ, các du kích địa phương đã xây dựng 16 hầm nổi và 14 hầm bí mật, tất cả được bố trí chặt chẽ để có thể chi viện cho nhau lúc cần thiết. Các hầm nổi là nơi ở, làm việc, hội họp của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, ban y tế, bộ phận điện đài cơ yếu. Hầm nổi – Nơi ở và làm việc của đ/c Võ Văn Kiệt

Đến tháng 10/1970, địch đã phát hiện lãnh đạo Khu ủy hoạt động tại xã Tân Phú Tây, chúng đã nhiều lần đổ quân đánh phá nơi đây và các xã lân cận. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã họp lãnh đạo Khu ủy, quyết định rút khỏi vùng căn cứ. Thời gian đóng tại khu căn cứ, lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã nhận được sự cưu mang đầy nghĩa tình của quân và dân trong toàn huyện.

Tại đây, các đảng viên Chi bộ Viện 3 cùng đảng viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc đã dâng hương, tham quan khu di tích, thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày và lắng nghe những câu chuyện về Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Hình ảnh dâng hương tại Khu tưởng niệmChi bộ Viện 3 tham quan Khu di tích và nghe kể chuyện về Khu ủy Sài Gòn - Gia Định Đồng chí Cao Minh Trí – Phó Bí thư Đảng ủy Viện cấp cao 3 viết cảm tưởng khi đến Khu di tích

Kết thúc hành trình về nguồn tại Di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, Đảng viên Viện 3 đã hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ của thế hệ đi trước đã chiến đấu vì độc lập, tự do, hòa bình của Tổ quốc. Đây cũng là buổi sinh hoạt dã ngoại thiết thực, là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của ông cha ta.

Đậu Thanh Bình – Chi bộ Viện 3