Thực hiện Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Chương trình trọng tâm năm 2024 và Kế hoạch sinh hoạt chuyên đề số 36 - KH/CB-V3 ngày 25/11/2024 của Chi bộ Viện 3, đồng thời để giáo dục và giữ lửa truyền thống yêu nước, giúp các thế hệ hiểu hơn giá trị của cuộc sống yên bình ngày nay, quyết tâm hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng của thế hệ cha ông. Ngày 29/11/2024, Chi bộ Viện 3 tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nguồn, thăm Di tích lịch sử quốc gia Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc lập - năm 1968 tại số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc lập là một trong những cơ sở của Biệt động thành nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Đây là căn nhà nằm ngay giữa trung tâm thành phố, gần Dinh Độc Lập, trên 2 con hẻm thông nhau, qua 2 đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần có diện tích khoảng 37m2 (dài 14,9m, rộng 2,5m). Chủ hộ là thầu khoán Trần Văn Lai sử dụng nhà 287/70 vừa để xe ôtô, vừa chứa vật liệu xây dựng. Tất cả các hoạt động đào hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí đều được giữ bí mật, an toàn tuyệt đối.
(Hình ảnh quá trình xây dựng hầm và tiếp nhận vũ khí)
Theo chỉ đạo của cấp trên, năm 1966, ông Trần Văn Lai đã mua căn nhà này. Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Lai đào căn hầm bí mật để cất giấu các loại vũ khí được chuyển từ ngoại thành vào. Ròng rã hơn 7 tháng trời vừa tính toán thiết kế vừa thi công trong bí mật, vợ chồng ông Trần Văn Lai đã hoàn thành căn hầm bí mật. Theo đó, nắp hầm nhỏ nằm giữa phòng khách, hầm chứa được khoảng 15 người, hơn hai tấn vũ khí, có cửa thoát hiểm và các lỗ thông khí.
(Lối đi xuống hầm)
Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ, góp phần làm nên những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
(Không gian hầm nơi chứa vũ khí)
Chính từ căn hầm này, đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, các chiến sĩ Biệt động đội 5 đã tập trung để nhận vũ khí. Đội xuất phát trên 3 ô tô và một chiếc Honda tiến về Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đội 5 đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội.
Chiếc xe ô tô và xe Honda chở vũ khí từ căn hầm tiến đánh Dinh Độc Lập
Sau trận đánh, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì chúng nghi đây là nơi trú ngụ của Đội Biệt động. Ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo. Căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng Mỹ không biết có hầm vũ khí ở dưới. Sau giải phóng, ông Trần Văn Lai và gia đình chuộc lại căn nhà trên và phục dựng lại. Năm 2002, ông Lai qua đời. Ông Trần Vũ Bình - con trai ruột ông Trần Văn Lai đã bền bỉ cất công tìm kiếm, mua lại những hiện vật, tư liệu và gặp các nhân chứng về Biệt động Sài Gòn.
Đến nay, ông Trần Vũ Bình đã sưu tầm được 10.000 tư liệu, hiện vật về Biệt động Sài Gòn. Mỗi hiện vật là một câu chuyện sinh động. Ông Bình cũng đã dành hàng chục năm trời để phục dựng nguyên trạng căn nhà số 287/68-70 với 2 hầm nổi, hộp thư bí mật và sưu tầm nhiều hiện vật xưa trưng bày tại đây để làm "sống dậy" căn nhà.
(Một số hiện vật tại Khu di tích)
Nơi đây được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, là chứng tích sống động cho lòng yêu nước, trí thông minh, tinh thần quả cảm của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Di tích này cũng đã vinh dự được đón nhiều vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, quân đội đến thăm như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(Góc nhỏ ghi dấu bút tích của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
Tại buổi sinh hoạt, các đảng viên của Chi bộ Viện 3 đã được nghe Hướng dẫn viên của Khu di tích giới thiệu và thăm quan các không gian trưng bày theo chủ đề, tìm hiểu quá trình xây dựng và phục dựng lại các hiện vật, lắng nghe câu chuyện đằng sau các hiện vật cổ và thắp hương tưởng nhớ các anh hùng.
(Đảng viên trong Chi bộ nghe Hướng dẫn viên giới thiệu và thăm quan trong Khu di tích)
(Đồng chí Bí thư Chi bộ và Lãnh đạo Viện 3 thắp hương tưởng nhớ các chiến sỹ)
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chi Bí thư Chi bộ Viện 3 thay mặt các đảng viên trong Chi bộ Viện 3 gửi lời cảm ơn sự hướng dẫn nhiệt tình của Hướng dẫn viên và chụp hình lưu niệm tại Khu di tích.
(Chi bộ Viện 3 chụp hình lưu niệm tại Khu di tích)
Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, các đồng chí đảng viên đã hiểu rõ hơn về những mất mát to lớn của dân tộc để đổi lại nền độc lập, về giá trị văn hoá, lịch sử, giá trị của sự đoàn kết, tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mùa xuân năm Mậu Thân 1968. Buổi sinh hoạt là điều kiện để chi bộ cùng lắng lại, cảm nhận và suy ngẫm về giá trị của độc lập, sự phát triển hiện tại mà bản thân chi bộ đang góp phần xây dựng và bảo vệ. Cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đó sẽ được Toàn thể đảng viên Chi bộ Viện 3 tiếp tục bảo vệ, xây dựng và phát triển thông qua hoạt động của ngành tư pháp nói chung, ngành kiểm sát nói riêng, với ý chí phấn đấu cho Nước Việt Nam, nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Buổi sinh hoạt chuyên đề đã góp phần làm tăng thêm sự đoàn kết, phấn đấu trong đảng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên trong công tác chuyên môn.
Chử Thị Định – Viện 3