Chi bộ Viện 4 tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Khu di tích Nhà tù Phú Lợi – tỉnh Bình Dương

Thực hiện Chương trình công tác tuyên giáo của Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường các hoạt động giáo dục về chính trị tư tưởng, truyền thống Cách mạng đến các đảng viên và đa dạng các nội dung, hình thức sinh hoạt Chi bộ với mục tiêu nâng cao nhận thức, thấm nhuần công tác xây dựng đảng về tư tưởng, chính trị, Chi bộ Viện 4 quyết định tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Khu di tích Nhà tù Phú Lợi, tỉnh Bình Dương vào ngày 29/12/2022. Tham dự sinh hoạt chuyên đề cùng chi bộ Viện 4 có đồng chí Phạm Đình Cúc, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí là Đảng ủy viên, cùng toàn thể đảng viên trong Chi bộ.

Di tích nhà tù Phú Lợi với tổng diện tích hiện nay là 77.082m2, tọa lạc trên đường Một Tháng Mười Hai, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, đây là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm ở miền Nam được xây dựng vào năm 1957 với mục đích giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ, chúng chia trại giam thành nhiều khu vực: khu hành chánh, khu gia đình binh sĩ, khu An Trí Viện – gọi là khu “An Trí Viện”; Khu trại giam gồm có 3 trại: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt và có hai cổng chính là cổng “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, cổng “An trí viện”. Số tù nhân chúng đưa về Phú Lợi đầu tiên có 4 nữ và khoảng 100 nam, nhưng đến cuối 1957 tăng lên 3.000 tù nhân, và đến cuối năm 1958, số tù nhân lên đến gần 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ.

Tại đây, các đảng viên Chi bộ Viện 4 đã được tham quan khu di tích, thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày và lắng nghe những câu chuyện về  những chế độ khắc nghiệt mà chế độ Mỹ - Diệm đã sử dụng để giam cầm, tra tấn những chiến sĩ cách mạng, nhà yêu nước lúc bây giờ như bắt ăn gạo mục cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi… Sống bẩn thiểu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị… và những đòn điều tra đánh đập dã man. Và đặc biệt, đó là câu chuyện về “Vụ thảm sát Phú Lợi” xảy vào những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1958, để thấy rõ hơn tội ác của đế quốc thực dân cũng như phần nào hiểu hơn tinh thần yêu nước, đoàn kết đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tại nhà tù Phú Lợi.

Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa chính trị quan trọng, ngày 10/7/1980, khu di tích nhà tù Phú Lợi đã được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Và đến năm 1995, khu di tích đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trùng tu, tôn tạo và xây dựng công trình biên soạn lược sử khu di tích vào đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày đoàn kết, bất khuất đấu tranh chống vụ đầu độc tù nhân Phú Lợi.

Kết thúc hành trình về nguồn tại Khu di tích nhà tù Phú Lợi, Đảng viên Viện 4 đã hiểu hơn về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các chiến sĩ cách mạng, đảng viên, đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong nhà tù vì độc lập, tự do, hòa bình của đất nước. Đây cũng là buổi sinh hoạt dã ngoại thiết thực, là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của cha anh.

Dưới đây là một số hình ảnh trong chuyến đi:

Chi bộ Viện 4