Chi bộ Viện 4 với chuyến Hành trình về nguồn tại Chiến khu Rừng Sác – Cần giờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Hòa chung không khí “Mừng Đảng Mừng Xuân” và hướng tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 15/01/2021, Chi bộ Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc Kinh doanh thương mại, Lao động (Viện 4) đã tổ chức Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa tại Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh), một địa danh lịch sử gắn liền với các chiến sỹ đặc công thuộc Đoàn 10 anh hùng. Cùng đi với Đoàn còn có đồng chí Võ Văn Thêm – nguyên Phó Viện trưởng Viện cấp cao 3, đồng chí Phạm Văn Thọ - nguyên Viện trưởng Viện 4.
Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh gần 60 km, di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ (trước đây tên gọi là Lâm viên Cần Giờ) có diện tích khoảng 2.215 ha. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, đặc khu Rừng Sác được coi là căn cứ địa quan trọng với chiến cục ở miền Nam Việt Nam, với địa thế đặc thù hiểm trở, Rừng Sác trở thành một “đầm lầy tử địa” nằm sát “sân sau” thủ phủ Việt Nam cộng hòa, có nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược - sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch (trong đó có thành Tuy Hạ) và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta. Chính vì vậy, Chính quyền Sài gòn – Mỹ ngụy đặc biệt quan tâm, liên tục tung quân càn quét nơi đây, tuyên bố "làm cỏ Rừng Sác" bằng “mưa bom bão đạn" và sử dụng hóa chất khai quang nhằm tiêu hủy căn cứ của quân ta. Để chống lại sự ngông cuồng của địch và thực hiện nhiệm vụ cách mạng, các chiến sỹ đặc công Rừng Sác đã làm nên hàng ngàn trận đánh lịch sử, trong đó có trận đánh tàu Victoria vào tháng 8/1966 và trận đánh kho xăng Nhà Bè với lời thề “Đã đi là đánh, đã đánh là thắng, chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về". Tại đây, khi nghiên cứu địa hình chiến đấu các chiến sỹ đặc công còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là loài cá sấu hung dữ. Đó cũng là lí do ở phía dưới chân bức tượng điêu khắc tưởng niệm những anh hùng đặc công Rừng Sác, ngoài biểu tượng mũi tàu địch còn có hình điêu khắc của hàm cá sấu, thể hiện hai kẻ thù mà những anh hùng đặc công Rừng Sác phải anh dũng chiến đấu, vượt qua. Với những chiến công oanh liệt đó, các chiến sỹ đặc công Rừng Sác thuộc Đoàn 10 góp một phần công sức vào Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vào ngày 23/9/1973, đơn vị đã được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau giải phóng, chiến khu Rừng Sác gần như bị phá hủy toàn bộ, hệ quả của việc bị máy bay Mỹ nhiều lần rải chất diệt cỏ. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Thành ủy - UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bí thư thành ủy lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt, lực lượng Thanh niên xung phong quyết tâm trồng lại cây cối trong rừng, vừa để giữ đất, vừa tạo môi sinh thái, là lá phổi xanh của Thành phố. Theo UNESCO, đây là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn đầu tiên trên thế giới được phục hồi sau chiến tranh hóa học. Ngày nay, chiến khu Rừng Sác đã được tái hiện, phục dựng lại khu căn cứ kháng chiến ngày xưa như khu quân y điều trị, khu quân nhu may vá quần áo, khu xưởng chế tạo vũ khí... và được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 15/12/2004. Trải qua hơn 45 năm lịch sử, nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đầy tiềm năng, cũng là nơi ôn lại lịch sử oai hùng của dân tộc, đặc biệt là những chiến công lừng lẫy của các chiến sỹ đặc công Rừng Sác anh hùng.
Kết thúc hành trình về nguồn tại Chiến khu Rừng Sác, Đảng viên Viện 4 đã hiểu hơn về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời tỏ lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng với những Anh hùng liệt sỹ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp độc lập, đấu tranh bảo vệ và thống nhất đất nước. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ...”. Đây cũng là buổi sinh hoạt dã ngoại thiết thực, là dịp để tập thể, Đảng viên Chi bộ Viện 4 thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết. Các đảng viên tiếp tục phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tự soi, tự ngẫm, lấy tinh thần anh dũng chiến đấu của các chiến sĩ đặc công là nguồn động lực để hoàn thiện bản thân hơn nữa, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Dưới đây là một số hình ảnh trong chuyến đi:
Chi bộ Viện 4 chụp hình lưu niệm trên tuyến đường đi vào khu căn cứ Rừng Sác
Các đồng chí trong Đoàn dâng hương tại Khu tưởng niệm
Thùng chứa nước mưa sinh hoạt
Các chiến sĩ đang họp bàn kế hoách đánh phá kho xăng Nhà Bè
O du kích đang chưng cất nước mặn để lấy nước ngọt dùng trong sinh hoạt
Nghiên cứu địa hình, kế hoạch tác chiến đánh kho xăng Nhà Bè
Thu Trang – Tuấn Vũ - Viện 4