Chi bộ Viện 4 với chuyến Hành trình về nguồn tại Nhà lưu niệm liệt sĩ Võ Thị Sáu và Căn cứ núi Minh Đạm tại huyện Đất Đỏ, tỉnh BR-VT

 Hòa chung không khí Mừng Đảng, Mừng Xuân năm 2022, vào ngày 25/2/2022, Chi bộ Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc Kinh doanh thương mại, Lao động (Viện 4) đã tổ chức hành trình về nguồn đầy ý nghĩa tại Đền thờ, Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu - nơi lưu giữ những kỷ niệm thời niên thiếu của Cô Sáu và Căn cứ núi Minh Đạm tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, là khu di tích lịch sử gắn liền với sự chiến đấu anh dũng và kiên cường của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Cùng đi với Đoàn còn có các đồng chí Nguyễn Văn Tùng – Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 3 và đồng chí Phạm Đình Cúc – Phó Viện trưởng Viện cấp cao 3.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thấm nhuần công tác xây dựng đảng về tư tưởng, chính trị, cũng như đa dạng các nội dung, hình thức sinh hoạt đảng. Chi bộ Viện 4 quyết định tổ chức sinh hoạt chuyên đề dã ngoại tại các địa điểm lịch sử thuộc địa bàn huyện Đất Đỏ, tỉnh bà Rịa Vũng Tàu.
Mở đầu chuyến đi, Đoàn đến viếng Tượng đài, Đền thờ anh hùng Võ Thị Sáu và thăm Nhà lưu niệm ở ngã tư Đất Đỏ, thuộc xã Phước Long Thọ - huyện Đất Đỏ. Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu (1935-1952) là một nữ chiến sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cô quê huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới 12 tuổi, Cô đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu. Năm 1949, Cô tham gia đội công an xung phong Đất Đỏ làm liên lạc tiếp tế. Năm 1950, khi mới 15 tuổi Cô bị chính quyền Pháp Bắt và bị Tòa án binh Pháp kết án tử hình vào tháng 4 năm 1951 vì đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết tên cai tổng Tòng - một tên bán nước ác ôn ngay tại xã nhà và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp. Sau gần 3 năm tra tấn, giam cầm, giặc Pháp đưa Cô ra giam ở Côn Đảo. Trong ngục giam những người bị án tử hình, Cô vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của Tổ Quốc. Dù các luật sư biện hộ cho Cô đã phản ánh với lý do chưa đủ 18 tuổi nhưng thực dân Pháp vẫn ngoan cố tuyên án tử hình. Trước khi bị đưa ra thi hành án, Cô bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Vì quân Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với Cô, chúng đã lén lút đem Cô đi thủ tiêu. Chuyện vẫn kết rằng, khi nhóm đao phủ bảo Cô quỳ xuống, Cô đã quát lại bọn chúng với một câu đã đi vào huyền thoại “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”. Cô bị xử bắn năm 1952 tại Côn Đảo khi chưa đủ 18 tuổi.
Tham quan Nhà lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu là ngôi nhà vách gỗ, mái ngói cổ xưa, nơi mà cô Sáu đã từng sống thời niên thiếu với gia đình cùng các kỷ vật, vật dụng đơn sơ, có bàn thờ tổ tiên và bàn thờ cô đặt ở gian ngoài.
Tiếp theo cuộc hành trình, Đoàn di chuyển về căn cứ núi Minh Đạm. Minh Đạm là dãy núi thấp, đâm ngang ra biển, trải qua địa phận các xã Tam Phước, Phước Hưng, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), Phước Hải, Long Mỹ (huyện Đất Đỏ). Địa thế núi phức tạp, hiểm trở, có đến hơn 300 hang động lớn nhỏ, kiên cố, ăn sâu vào lòng núi. Nhờ đó, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Minh Đạm trở thành căn cứ cách mạng vững chắc của quân dân Bà Rịa Vũng Tàu.
Năm 1948, để nhớ ơn hai vị Bí thư và Phó Bí thư huyện Long Điền là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã anh dũng hy sinh dưới chân núi, nên người dân đã đặt tên núi là Minh Đạm. Hiện nay, khu vực căn cứ Minh Đạm đã được đầu tư, xây dựng, tôn tạo, trong đó có đền thờ 2.642 Anh hùng liệt sĩ và một số hang động như hang Huyện ủy, Huyện đội, Thị xã Cấp và Quân y.
Kết thúc hành trình về nguồn tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mang ý nghĩa và giá trị thực tế, là dịp để Đảng viên và công chức Viện 4 ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời vun đắp thêm tình cảm về lòng biết ơn và sự trân trọng đối với các Anh hùng liệt sĩ đã sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là buổi sinh hoạt dã ngoại thiết thực, để tập thể Viện 4 tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, hoàn thiện bản thân hơn nữa, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Dưới đây là một số hình ảnh trong chuyến đi:
Lê Công Thành - Viện 4