Cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội nên VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị để điều tra, xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.
Quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh
Vừa qua, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2021/QH - ST của TAND tỉnh Đồng Tháp đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội và xác định không đúng tội danh của bản án sơ thẩm.
Chiếm đoạt hớn 1,4 tỷ tiền ngân sách nhà nước được giao quản lý
Bị cáo chính trong vụ án Lý Thị Thúy nguyên là thủ quỹ và kế toán công tác tại Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2017, Lý Thị Thúy lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao chiếm đoạt tổng cộng 1.408.567.000đ, là tiền được giao quản lý từ nguồn tạm ứng ngân sách và kinh phí khen thưởng của Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng, bao gồm 350.000.000đ tiền phải nộp hoàn tạm ứng cho ngân sách, 843.992.000đ kinh phí huyện Tân Hồng cấp và 214.575.000đ do quyết toán khống kinh phí khen thưởng.
Trong vụ án này, bị cáo Võ Hồng Mẫn nguyên là Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Hồng bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do thực hiện sai nguyên tắc tài chính kế toán, chỉ đạo thủ quỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh rút 843.992.000đ kinh phí huyện Tân Hồng cấp, giao lại cho bị cáo Thúy quản lý và hoàn tạm ứng theo quy định nhưng thiếu trách nhiệm, không kiểm tra chứng từ tạm ứng và quỹ tiền mặt, tạo sơ hở cho Thúy chiếm đọat số tiền nói trên.
Tại bản án sơ thẩm số 02/2021/HS-ST của TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên bị cáo Lý Thị Thúy phạm tội Tham ô tài sản, bị cáo Võ Hồng Mẫn phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời tuyên phạt bị cáo Lý Thị Thúy 15 (mười lăm) năm tù và bị cáo Võ Hồng Mẫn 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm.
Có dấu hiệu xác định tội danh chưa chính xác…
Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Võ Hồng Mẫn tại thời điểm xảy ra vụ án đã phân công trong cuộc họp cho Lý Thị Thuý làm kế toán và Nguyễn Thị Ngọc Linh làm thủ quỹ đơn vị nhưng không ra quyết định bằng văn bản. Sau đó Mẫn chỉ đạo Nguyễn Thị Ngọc Linh rút kinh phí bổ sung cho UBND huyện cấp, đưa lại cho bị cáo Thuý quản lý để nộp hoàn tạm ứng. Hành vi này bị HĐXX sơ thẩm xác định là sai quy định. HĐXX cũng đánh giá bị cáo Mẫn không tổ chức kiểm tra việc bị cáo Thuý nộp hoàn tạm ứng là không làm hết trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sơ hở cho Thuý chiếm đoạt thành công số tiền 843.992.000đ nên tuyên phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra đánh giá chứng cứ, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng việc xét xử bị cáo Võ Hồng Mẫn với tội danh nói trên là không đúng với hành vi thực tế của bị cáo đã thực hiện, bởi lẽ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chứng minh trong khoảng thời gian bị cáo Thuý chiếm đoạt số tiền 843.992.000đ, Mẫn đã nhiều lần nhận tiền từ Thuý với tổng số tiền 96.500.000đ, ngoài ra Thúy khai có đưa cho Mẫn số tiền hơn 100 triệu đồng từ khoản tiền kinh phí khen thưởng nhưng không được Mẫn thừa nhận.
Theo quan điểm của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh thì đã đủ căn cứ xác định giữa Mẫn và Thuý có phát sinh giao dịch số tiền khoảng 100 triệu đồng trong thời gian Thuý thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của đơn vị, theo lời khai của hai bị cáo này. Như vậy, bị cáo Mẫn vì động cơ hưởng lợi ích vật chất đã dựa vào chức vụ quyền hạn được giao làm trái quy định của pháp luật trong việc chỉ đạo bị cáo Thuý làm kế toán và quản lý tiền ngân sách phân bổ. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thay vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội
Cũng trong vụ án này, Huỳnh Thành Nhân là nguyên là kế toán Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng, khi lập thủ tục rút kinh phí bầu cử được tỉnh Đồng Tháp cấp, có lập giấy nộp hoàn tạm ứng ngân sách 350.000.000đ và đưa cho bị cáo Thúy để thực hiện việc nộp hoàn tạm ứng. Tuy nhiên, sau đó Huỳnh Thành Nhân thiếu trách nhiệm nên chỉ hỏi bị cáo Thúy nộp hoàn tạm ứng số tiền trên cho ngân sách nhà nước chưa, mà không yêu cầu Thúy cung cấp giấy nộp tiền để kiểm tra, lưu giữ theo quy định, từ đó không phát hiện việc bị cáo Thúy chiếm dụng khoản tiền này.
Hành vi không thực hiện đúng quy định tại Điều 4 của Luật Kế toán năm 2015 của Huỳnh Thành Nhân đã tạo điều kiện cho bị cáo Thúy chiếm đoạt thành công số tiền 350.000.000đ. Trong khi nếu Nhân thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao thì bị cáo Thúy sẽ không có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
Trong Quyết định kháng nghị, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đánh giá bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp cho rằng Huỳnh Thành Nhân đã tự nguyện nộp số tiền 350.000.000đ để khắc phục hậu quả nên chưa đủ cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với Nhân là chưa đủ căn cứ. Thực tế, trong quá trình điều tra, Huỳnh Thành Nhân cũng tự nhận thấy việc chiếm đoạt tiền của bị cáo Thúy có phần trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra đối chiếu chứng từ, không kịp thời phát hiện hành vi chiếm đoạt tiền của bị cáo Thúy.
Chính vì vậy, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Hành vi nêu trên của Huỳnh Thành Nhân có dấu hiệu phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không tiến hành khởi tố điều tra, truy tố, xét xử đối với Huỳnh Thành Nhân là có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội”.