Cơ yếu ngành Kiểm sát nhân dân - Những hy sinh và vinh quang thầm lặng

“Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang. Các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”; đồng thời phải luôn phát huy truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo”, đây chính là một trong những lời huấn thị quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Cơ yếu Việt Nam. Năm 2024 đánh dấu mốc son kỉ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2024) và 36 năm thành lập lực lượng Cơ yếu ngành Kiểm sát nhân dân (KSND).

 Lời huấn thị của Bác dành cho lực lượng làm nhiệm vụ Cơ yếu (Ảnh: sưu tầm Internet).

Ngày Truyền thống hàng năm là một sự kiện quan trọng để các lực lượng, đơn vị làm công tác Cơ yếu một lần nữa hồi tưởng lại lịch sử vẻ vang của Ngành, qua đó khơi dậy sự quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Theo đó, hoạt động của lực lượng Cơ yếu gồm tham mưu, thực hiện các kế hoạch riêng nhằm bảo đảm tính cơ mật và an toàn thông tin; có biện pháp củng cố, phát triển các mạng liên lạc Cơ yếu, bảo đảm tuyệt đối bí mật về hệ thống thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang cũng như của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND).

Những năm qua, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; Luật Cơ yếu, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các nghị định của Chính phủ về công tác bảo mật, an toàn thông tin được Đảng ủy, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao và VKSND các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ và cụ thể trong toàn Ngành. Đồng thời, công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực Cơ yếu cũng được lãnh đạo ngành KSND đặc biệt quan tâm, chú trọng, như việc ký kết Thoả thuận số 01/VKSTC-BCY ngày 28/7/2006 giữa VKSND tối cao và Ban Cơ yếu Chính phủ trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin; Quy chế phối hợp ngày 22/11/2023 giữa VKSND tối cao và Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm xây dựng các biện pháp bảo mật và an toàn thông tin phù hợp hơn trong tình hình mới (giai đoạn 2024 - 2030).

 Buổi Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa 02 đơn vị vào năm 2023 (Ảnh: nguồn Báo BVPL - VKSND tối cao)

Tại VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3), mặc dù chưa được thành lập Phòng Cơ yếu (như tại Văn phòng VKSND tối cao) hoặc chưa được bố trí cán bộ chuyên trách công tác Cơ yếu (như tại VKSND cấp tỉnh) nhưng đơn vị cũng đã tổ chức thực hiện các biện pháp Cơ yếu nhằm đảm bảo hệ thống mạng lưới thông tin tại đơn vị luôn có sự bảo mật cao. Đơn vị đang tiến hành sử dụng thiết bị thông tin liên lạc đặc biệt do Văn phòng VKSND tối cao trang bị nhằm đảm bảo thông tin, văn bản mật (theo từng cấp độ được quy định trong ngành KSND) sẽ được truyền dẫn đúng quy định, quy chế về hoạt động Cơ yếu. Theo đó, hệ thống máy fax được kết nối, mã hóa và truyền tải thông tin qua thiết bị MTF chuyên biệt được sản xuất bởi Công ty 129 thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

 Hệ thống máy fax và thiết bị mã hóa thông tin theo tiêu chuẩn chuyên biệt của Ban Cơ yếu Chính phủ (Ảnh: tư liệu Viện cấp cao 3).

Thời gian tới, Viện cấp cao 3 cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, kiến nghị bổ sung về nhân sự chuyên trách, hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật nhằm đảm bảo công tác Cơ yếu tại đơn vị; có biện pháp và lộ trình khảo sát, kiểm tra, đánh giá về hiện trạng bảo mật, an toàn thông tin qua bộ chỉ số đánh giá chuyên biệt đã được VKSND tối cao quán triệt và tập huấn.

Với bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin thì trong công tác bảo vệ thông tin, bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ của Ngành cũng có khả năng xảy ra rủi ro, bị tác động theo chiều hướng phức tạp. Trong đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao tìm mọi cách tiến hành các hoạt động gián điệp (truyền thống và phi truyền thống) để thực hiện thu tin, truyền tin giả, mua chuộc, cài cắm, móc nối lấy cắp bí mật quốc gia, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội… Trong muôn vàn khó khăn và thử thách ấy, các cán bộ, nhân viên trong lực lượng Cơ yếu cần luôn chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, có nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là sứ mệnh vẻ vang của mình khi thực hiện nhiệm vụ trong thời đại mới.

 Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 7 ngày từ 19 - 25/8/2024 đã có ít nhất 993 lỗ hổng được các tổ chức quốc tế công bố và cập nhật. Trong đó, có tối thiểu 114 lỗ hổng cho phép chèn và thực thi mã lệnh (Ảnh: sưu tầm Internet)

Thực hiện công cuộc chuyển đổi số của đất nước hiện nay, ngành KSND cũng xác định rằng việc củng cố và phát triển lực lượng Cơ yếu chính là một mảnh ghép quan trọng trong nhiệm vụ chính trị được giao của Ngành. Để thực hiện hiệu quả công tác này, bên cạnh sự quyết tâm của lực lượng Cơ yếu thì còn rất cần sự phối hợp, hỗ trợ, đồng tâm hiệp lực của Ban Cơ yếu Chính phủ cùng các đơn vị trong và ngoài ngành Kiểm sát. Với quyết tâm chính trị cao và tinh thần không ngại khó, ngại khổ, mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp chuyển đổi số của đất nước nhất định sẽ đạt được những thành tựu rực rỡ và thắng lợi vẻ vang, trong đó có phần đóng góp của công tác Cơ yếu ngành KSND: “Cơ yếu là một công tác cơ mật đòi hỏi sự hy sinh, trong đó, những chiến công của lực lượng tuy thầm lặng nhưng rất đỗi vinh quang và đầy tự hào”.

Huỳnh Tấn Thành - Văn phòng