Đề nghị hủy án do uống rượu bia gây tai nạn giao thông chết người vẫn được xử án treo

(BVPL) - Vừa qua VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Xuân Lộc và bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, với lý do xét xử không nghiêm và bỏ lọt tình tiết định khung tăng nặng.

Theo nội dung vụ án, vào khoảng 15h50' ngày 28/9/2019, bị cáo Nguyễn Nhật Tú  (SN 1971, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe ô tô cứu hộ giao thông biển số 60C-041.16 lưu thông trên Quốc lộ 1A, khi qua địa bàn xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thì lấn sang phần đường ngược chiều gây tai nạn, hậu quả làm anh Phùng Thế Viết đang lưu thông ngược chiều chết tại chỗ.
Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông (ảnh tham khảo) 
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 21/5/2020, TAND huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai xử phạt Nguyễn Nhật Tú 1 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự. Ngay ngày hôm sau Tú có đơn kháng cáo xin hưởng án treo.
Phiên phúc thẩm vào ngày 21/9/2020 sau đó, TAND tỉnh Đồng Nai sửa bản án sơ thẩm, tiếp tục áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự tuyên phạt Nguyễn Nhật Tú 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Không thống nhất với mức án đã tuyên, ngày 2/10/2020 VKSND tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai và giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Xuân Lộc.
 Quyết định kháng nghị của Viện cấp cao 3
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Viện cấp cao 3 phát hiện sau khi tai nạn xảy ra, Công an huyện Xuân Lộc có yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Nguyễn Nhật Tú theo quy định. Kết quả sau đó cho thấy nồng độ cồn trong máu của Tú vào ngày 28/9/2019 là 05mg/dl, quy đổi tương đương 05mg/100ml.
Như vậy Nguyễn Nhật Tú đã điều khiển xe ô tô trong tình trạng có sử dụng rượu bia và trong máu có nồng độ cồn, vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ về việc “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và điều khiển xe lấn qua phần đường bên trái vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ và gây tai nạn làm chết người.
Hành vi nêu trên của Tú đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với tình tiết định khung tăng nặng “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.
Viện cấp cao 3 cho rằng cấp sơ thẩm truy tố, xét xử Nguyễn Nhật Tú theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, bỏ lọt tình tiết định khung tăng nặng. Đồng thời cấp phúc thẩm khi xét xử vẫn không phát hiện ra sai sót này, tiếp tục tuyên phạt bị cáo 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo là chưa đảm bảo tính nghiêm khắc và không tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội cũng như hậu quả mà bị cáo đã gây ra.
Do đó Viện cấp cao 3 quyết định kháng nghị toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 70/2020/HS-ST ngày 21/5/2020 của TAND huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai và bản án hình sự phúc thẩm số 378/2020/HS-PT ngày 21/9/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai.
Trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm được ban hành, Viện cấp cao 3 đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã nêu để điều tra, xét xử lại./.
Trân Định - Việt An