Để phiên Tòa rút kinh nghiệm thực sự là một phiên Tòa mẫu, điển hình trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã được nêu rõ trong Kế hoạch số 03/KH-VC3-VP ngày 10/01/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) về công tác kiểm sát năm 2021.
Ngày 09/3/2021, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm do Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Văn Đức – Phó Trưởng phòng phúc thẩm Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình – thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp.
1
Phiên tòa được lựa chọn là một vụ án dân sự có nhều quan hệ tranh chấp, với các dạng tranh chấp điển hình trong đời sống xã hội, nhiều đương sự tham gia và có yêu cầu hủy Quyết định cá biệt (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)... Đó là vụ án dân sự: “Tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; Yêu cầu huỷ giấy chứng nhận và chia thừa kế; Yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Cảnh với bị đơn là Phòng công chứng số 2, Thành phố Hồ Chí Minh và 06 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (trong đó có 02 người có yêu cầu độc lập).
          Nội dung vụ án như sau: Ông Nguyễn Văn Cảnh khởi kiện yêu cầu huỷ Văn bản thoả thuận phân chia di sản ngày 21/11/2016 lập tại Phòng công chứng số 2 và huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH13157 ngày 30/3/2017 do UBND Quận 5 cấp cho bà Tăng Thị Cúc, huỷ phần cập nhật sang tên từ tên chủ sở hữu là bà Tăng Thị Cúc sang tên bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa và yêu cầu chia thừa kế và yêu cầu nhận ½ căn nhà; yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán giữa bà Tăng Thị Cúc và bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa. Vụ án do Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý, giải quyết theo Bản án số 496/2020/DS-ST ngày 27/4/2020. Không đồng ý với bản án đã tuyên, ông Nguyễn Văn Cảnh, anh Nguyễn Văn Thảnh, bà Tăng Thị Cúc và bà Phạm Thị Nguyệt Nga kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Tăng Thị Cúc rút kháng cáo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa đồng ý tự nguyện hỗ trợ cho bà Nga thêm 100.000.000 đồng.
Để có thể phát biểu được quan điểm giải quyết vụ án có sự thay đổi về nội dung, chứng cứ và căn cứ pháp lý so với hồ sơ kháng cáo đã nghiên cứu trước đó, Kiểm sát viên đã chủ động tham gia thẩm vấn các bên đương sự bằng các câu hỏi rõ ràng, có trọng tâm, làm rõ và giải thích cho các bên những vấn đề quan trọng nhất của vụ án như việc rút đơn kháng cáo của bà Cúc có hoàn toàn tự nguyện không, có bị ai đe dọa, cưỡng ép không…;  đồng thời kiểm sát viên cũng kiểm sát chặt chẽ hoạt động tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác. Kết quả phần thẩm vấn đã đủ cơ sở để kết luận Bản án sơ thẩm là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật, việc rút kháng cáo và tự nguyện hỗ trợ là xuất phát từ ý chí tự nguyện của đương sự. Căn cứ kết quả phần thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phát biểu đề nghị HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm và sau khi nghị án thì HĐXX đã tuyên án vào lúc 13h30 cùng ngày, án tuyên không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm như quan điểm đề nghị của đại diện VKS.
2
Sau khi kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tiến hành họp, rút kinh nghiệm chung theo đúng hướng dẫn của ngành. Tập thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức của đơn vị đã đưa ra thống nhất đánh giá cao kỹ năng của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm như xét hỏi, xử lý các tình huống mới phát sinh, tranh luận, đối đáp và phát biểu quan điểm giải quyết vụ án đúng pháp luật. Ngoài những ưu điểm, tập thể Kiểm sát viên công chức tham gia cuộc họp cũng đã nêu một số hạn chế cần rút kinh nghiệm như còn sử dụng các thuật ngữ phổ thông trong xã hội mà không sử dụng các thuật ngữ pháp lý là chưa phù hợp với quy định pháp luật có liên quan cũng như văn hóa trước Hội đồng xét xử. Ví dụ như “giao đất bằng miệng” thay vì “giao đất bằng lời nói”; không gọi “bên nguyên đơn” hay “bên bị đơn” mà gọi “bên này” và “bên kia”… Cuộc họp đi đến thống nhất những hạn chế này không lớn nhưng cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Kết quả của phiên tòa rút kinh nghiệm này đã cho thấy yêu cầu ngày càng cao đối với Kiểm sát viên cao cấp Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh khi thực hiện kiểm sát xét xử các loại vụ án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến không chỉ pháp luật Việt Nam mà còn là pháp luật của các nước có liên quan và cả quy định pháp lý cũng như thông lệ quốc tế. Do đó, để có thể đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ Kiểm sát viên, công chức của Viện cấp cao 3 phải không ngừng hoàn thiện bản thân, chủ động tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ; đồng thời cũng phải tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo của cơ quan mà các phiên tòa rút kinh nghiệm là một trong những biện pháp đào tạo và tự đào tạo hết sức hiệu quả đối với không chỉ Kiểm sát viên trực tiếp tác nghiệp mà còn cả những người tham gia dự khán phiên tòa.
Tin bài: Nguyễn Nam Hưng.
Tin ảnh: Lê Anna Hiền