Hiện nay, trong quá trình sửa đổi Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của giới chuyên gia và các cơ quan liên quan là đề xuất của Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật) về việc chấm dứt thẩm quyền điều tra hình sự của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc giữ nguyên mô hình hiện tại không chỉ hợp lý, mà còn cần thiết để bảo đảm hiệu quả kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp và phù hợp với định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì họp hội đồng thẩm định dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi)
Chiều ngày 05/4/2025, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định dự án Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Kết luận buổi họp, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của đại diện các cơ quan có liên quan, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định hầu hết thành viên Hội đồng thẩm định đều đồng tình với việc giữ nguyên thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC. Dẫn lại Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về cải cách tư pháp làm cơ sở chính trị vững chắc, Thứ trưởng nhấn mạnh, dự thảo Luật nên chỉ tập trung sửa đổi các vấn đề liên quan đến tổ chức chính quyền trung ương; các nội dung khác cần thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo.
Một thiết chế kiểm soát quyền lực đặc thù
Cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC là thiết chế có tính đặc thù trong hệ thống các cơ quan tư pháp ở Việt Nam. Khác với các cơ quan điều tra chuyên trách thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, cơ quan này có phạm vi điều tra hẹp, tập trung vào các hành vi tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp – bao gồm các tội danh do chính cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao vừa ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Đà Lạt
Với vị trí là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND có điều kiện trực tiếp phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong quá trình tố tụng, từ đó kịp thời khởi tố, điều tra các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp hiệu quả hơn các cơ quan khác. Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp – một nội dung cốt lõi trong chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Không nên đánh đổi hiệu quả vì sự "tinh gọn" máy móc
Việc đề xuất chấm dứt thẩm quyền điều tra của VKSNDTC được cho là xuất phát từ mục tiêu tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo chức năng. Tuy nhiên, phân tích cho thấy, đây là cách tiếp cận mang tính cơ học. Thay vì đánh giá dựa trên hiệu quả hoạt động và vai trò kiểm soát quyền lực, việc "cắt giảm" một thiết chế đang vận hành hiệu quả có thể tạo ra khoảng trống pháp lý và làm suy giảm khả năng phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tư pháp.
Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, viện KSND tối cao phát biểu tại buổi thẩm định
Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế VKSNDTC, nhấn mạnh rằng thiết chế lập và kiểm sát tư pháp gắn với Viện kiểm sát đã tồn tại suốt 63 năm, góp phần bảo đảm hiệu quả công tố và kiểm sát điều tra. Nếu loại bỏ Cơ quan điều tra riêng của VKSND, sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực thực thi các chức năng này.
Số liệu là minh chứng rõ nét
Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của VKSNDTC đã điều tra thành công 92,4% vụ án thuộc thẩm quyền – vượt xa chỉ tiêu của Quốc hội (70%). Tỷ lệ điều tra, khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt gần 90%.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng VKSND tối cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11/2024. Ảnh: VPQH cung cấp
Đặc biệt, nhiều vụ án lớn liên quan đến cán bộ trong chính các ngành Kiểm sát, Tòa án, Công an đã được khởi tố và điều tra minh bạch, thể hiện quyết tâm “không có vùng cấm”. Có thể kể đến các vụ án gần đây như: Vụ cán bộ Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị bị khởi tố về các tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ việc”, “Giả mạo trong công tác”; vụ cán bộ Công an và Dân phòng xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị khởi tố về tội “Dùng nhục hình”; vụ cán bộ Công an xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị khởi tố về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”; vụ Kế toán Cục Thi hành án dân sự thành phố Huế bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”; vụ Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”; vụ nguyên Viện trưởng VKSND thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”; vụ Phó Trưởng phòng thuộc VKSNDTC bị khởi tố về tội “Môi giới hối lộ”....
Mới đây nhất, ngày 3/4/2025, Cơ quan điều tra VKSND tối cao tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Phi Khanh - Kế toán nghiệp vụ thi hành án; thuộc Cục THADS thành phố Huế về tội “ Tham ô tài sản” theo khoản 4 Điều 353 - BLHS
Phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp
Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đều xác định rõ giữ nguyên ba hệ thống cơ quan điều tra chuyên trách thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và VKSNDTC – nhằm đảm bảo tính chuyên sâu và hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Quang cảnh Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Cơ quan điều tra VKSND tối cao
Theo đó, cải cách tư pháp không đồng nghĩa với hợp nhất cơ học các cơ quan có chức năng tương tự, mà phải bảo đảm sự phân quyền hợp lý, kiểm soát lẫn nhau và không bị lũng đoạn bởi quyền lực đơn nhất. Việc giữ nguyên Cơ quan điều tra VKSNDTC chính là một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc này.
Cần thận trọng khi sửa đổi Luật và căn cứ vào hiệu quả thực tiễn
Đề xuất chấm dứt thẩm quyền điều tra hình sự của Cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC trong dự thảo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) cần được xem xét, tiếp cận trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động, đánh giá vai trò kiểm soát quyền lực tư pháp, thay vì chỉ nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy. Cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC không chỉ là công cụ phát hiện vi phạm mà còn là “quả đấm thép” của ngành Kiểm sát nhân dân, là “bức tường lửa” bảo vệ tính liêm chính trong hệ thống các cơ quan tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ Cơ quan điều tra VKSND tối cao
Trong bối cảnh cải cách tư pháp đang được đẩy mạnh, việc duy trì và tăng cường năng lực cho cơ quan này sẽ là bước đi phù hợp với định hướng của Đảng, đồng thời đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của Nhân dân về một nền tư pháp công minh, khách quan và không có vùng cấm.
Tấn Thành – Văn phòng VKSND cấp cao tại TP.HCM