Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự liên quan đến lời khai người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài

KIEMSAT.VN - Những năm vừa qua, kết quả của hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự liên quan đến lấy lời khai người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp cho Việt Nam đã hỗ trợ tích cực cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam trong việc chứng minh, làm rõ những tình tiết của vụ việc, vụ án hình sự, tuy nhiên thực tiễn vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Theo khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), lời khai, lời trình bày là một trong những nguồn chứng cứ. Trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc quá trình điều tra vụ án hình sự, việc lấy lời khai người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án... có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc làm rõ hành vi của người bị tố giác, chứng minh hành vi phạm tội của bị can, làm rõ diễn biến, bản chất của sự việc và những tình tiết quan trọng của vụ việc, vụ án. Nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của lời khai, hoạt động lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án... được thực hiện theo quy định tại các điều 186, 187, 188 của BLTTHS năm 2015. Việc lấy lời khai phải được lập thành biên bản theo quy định để đưa vào hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc hồ sơ vụ án và có thể được ghi âm, ghi hình có âm thanh. 

Đối với những vụ việc, vụ án có yếu tố nước ngoài, người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có mặt trên lãnh thổ Việt Nam, để lấy được lời khai của những người này, Cơ quan điều tra có thể lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự (TTTPHS) gửi qua Vụ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao để đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước mà những người này đang có mặt để tiến hành triệu tập và lấy lời khai dựa trên những câu hỏi mà phía Việt Nam cung cấp. Kết quả của hoạt động lấy lời khai do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện sẽ được lập thành biên bản và gửi về Vụ 13 VKSND tối cao (để cung cấp cho Cơ quan điều tra đã lập yêu cầu TTTPHS). Biên bản ghi lời khai do phía nước ngoài cung cấp là kết quả thực hiện TTTPHS và đây cũng là một trong những nguồn chứng cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015.

1. Một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự liên quan đến lấy lời khai người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài

Trong những năm qua, trên cơ sở quy định của các hiệp định TTTPHS song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, quy định của pháp luật trong nước và nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác quốc tế về tố tụng hình sự, hoạt động TTTPHS liên quan đến thu thập, lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào hoạt động xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của Cơ quan điều tra các cấp trong cả nước. Qua đó, góp phần đáng kể vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn, môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta và khu vực.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động TTTPHS liên quan đến thu thập, lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, dẫn đến thời gian phía nước ngoài xử lý yêu cầu TTTPHS của phía Việt Nam còn kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phải tạm đình chỉ xác minh tin báo, tố giác về tội phạm hoặc tạm đình chỉ điều tra vụ án do hết thời hạn xác minh tin báo, tố giác về tội phạm, hết thời hạn điều tra vụ án mà chưa có kết quả TTTPHS từ nước ngoài.

Thứ nhất, đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định TTTPHS: Các yêu cầu TTTPHS liên quan đến thu thập, lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài được lập trên nguyên tắc có đi có lại và được gửi qua kênh ngoại giao. Quy trình gửi yêu cầu tương trợ qua kênh ngoại giao thường mất nhiều thời gian. Mặc dù, VKSND tối cao đã tích cực phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy thực hiện yêu cầu, một số cơ quan đối tác như Hoa Kỳ, Hồng Kông, Đài Loan cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhận gửi yêu cầu qua thư điện tử nhưng hồ sơ yêu cầu chính thức vẫn phải được gửi qua kênh ngoại giao để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật trong nước, do đó cũng làm ảnh hưởng đến thời hạn, tiến độ mà phía nước ngoài thực hiện yêu cầu TTTPHS của Việt Nam gửi đi. Thời gian gửi yêu cầu TTTPHS qua kênh ngoại giao kéo dài, trong nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nhận được hồ sơ yêu cầu TTTPHS của Việt Nam khi đã quá thời hạn chúng ta mong muốn nhận được kết quả, chính vì vậy chưa thể đáp ứng được thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự trong nước của phía Việt Nam.

Thứ hai, trong việc chứng minh hành vi trong vụ việc hoặc vụ án mà phía Việt Nam đang xác minh, điều tra là hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật nước ngoài: Việc đáp ứng nguyên tắc tội phạm kép trong hoạt động TTTPHS là một thực tiễn phổ biến đã được các quốc gia công nhận trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp. Đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ đều xác định việc đáp ứng nguyên tắc tội phạm kép là điều kiện tiên quyết để cơ quan trung ương của họ chấp nhận thực hiện yêu cầu TTTPHS nói chung, yêu cầu TTTPHS liên quan đến thu thập, lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài nói riêng cho Việt Nam. Tuy nhiên, do sự khác biệt lớn giữa hệ thống pháp luật Việt Nam và nước được yêu cầu, nên trong nhiều trường hợp phía nước được yêu cầu thường đề nghị phía Việt Nam phải cung cấp bổ sung những thông tin, tài liệu để chứng minh hành vi mà các đối tượng, bị can, bị cáo Việt Nam đã thực hiện trong vụ việc, vụ án hình sự mà các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam đang giải quyết; cũng như cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước ngoài là điều không đơn giản. Đặc biệt là trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tài liệu và thông tin mà Cơ quan điều tra Việt Nam thu thập được chưa nhiều, nếu phía nước ngoài yêu cầu phía Việt Nam phải cung cấp đầy đủ tài liệu để chứng minh hành vi nêu trong yêu cầu đã cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu thì vô cùng khó khăn. Đây là giai đoạn Cơ quan điều tra cần thu thập thông tin, tài liệu để xác định có căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Nếu có thể cung cấp tài liệu để đáp ứng toàn bộ những vấn đề mà phía nước ngoài yêu cầu bổ sung thì có thể thời điểm đó vụ việc tại Việt Nam đã được làm sáng tỏ và việc thực hiện nội dung tương trợ đã không còn cần thiết nữa.

 Thứ ba, trong việc phải tuân thủ những quy định về thủ tục tố tụng liên quan đến lấy lời khai của pháp luật nước được yêu cầu để cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu chấp nhận thực hiện việc lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho phía Việt Nam: Theo quy định của pháp luật nhiều nước, đặc biệt là những quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, việc thực hiện các hoạt động triệu tập, lấy lời khai của một công dân hoặc đại diện một pháp nhân với tư cách người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải được thực hiện khi có sự có mặt của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những cá nhân, tổ chức đó. Việc lấy lời khai chỉ có thể được thực hiện khi được sự đồng ý của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Họ có quyền đồng ý hoặc từ chối cung cấp lời khai hoặc ủy quyền cho Luật sư làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, việc lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài không phải lúc nào cũng được thuận lợi, trong nhiều trường hợp hiệu quả của việc lấy lời khai, tính khách quan và chính xác của lời khai cũng không cao. Thực tế đã có nhiều biên bản ghi lời khai do phía nước ngoài cung cấp về cho Việt Nam, người làm chứng nước ngoài hoàn toàn phủ nhận hoặc khai không biết gì về nội dung vụ việc, vụ án mà Việt Nam đang xác minh, điều tra mặc dù phía Việt Nam đã có các tài liệu khác chứng minh về sự có mặt của người đó tại thời điểm xảy ra vụ án.

Thứ tư, Cơ quan điều tra lập yêu cầu TTTPHS không cung cấp thông tin cụ thể về họ tên, địa chỉ và các thông tin nhân thân khác của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài cần lấy lời khai dẫn đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khó có thể xác minh để triệu tập người cần lấy lời khai. Trong nhiều vụ việc, Cơ quan điều tra của Việt Nam chỉ có được thông tin từ lời khai của cá nhân, doanh nghiệp trong nước về doanh nghiệp ở nước ngoài mà doanh nghiệp Việt Nam giao dịch, mà không có thông tin cụ thể về cá nhân có thẩm quyền của doanh nghiệp tại nước ngoài để nêu trong hồ sơ yêu cầu TTTPHS hoặc có nhiều trường hợp họ tên, địa chỉ và các thông tin nhân thân của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài không còn chính xác do dịch thuật. Thực trạng này thường xảy ra đối với những yêu cầu gửi đi Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... do sự khác biệt giữa ngôn ngữ tượng hình và ngôn ngữ la tinh.

Thứ năm, nội dung câu hỏi mà Cơ quan điều tra lập yêu cầu TTTPHS của Việt Nam đưa ra để đề nghị phía nước ngoài lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn khó hiểu, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khi tiến hành lấy lời khai. Thực tiễn đã có nhiều yêu cầu TTTPHS liên quan đến thu thập, lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài mà Cơ quan điều tra các địa phương lập và gửi đi, trong đó có những câu hỏi hoàn toàn chỉ phù hợp với việc lấy lời khai người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở trong nước dẫn đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không hiểu được mục đích của việc thu thập lời khai từ công dân của họ để làm gì, tại sao Cơ quan điều tra của Việt Nam lại cần hỏi những thông tin như vậy... Ví dụ đề nghị phía nước ngoài hỏi những câu hỏi như sau: (1) “Ông A có phải là người có công với cách mạng hoặc có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác hay không?”. Mặc dù, theo quy định của BLTTHS Việt Nam, việc chứng minh tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng nếu chúng ta đặt những câu hỏi như vậy với phía nước ngoài thì họ sẽ không hiểu được mục đích của câu hỏi đó và không thực hiện được do quy định của pháp luật nước được yêu cầu không tương đồng với Việt Nam; (2) “Ông B có hành vi trái với chuẩn mực đạo đức đối với chị C hay không?” Việc đánh giá hành vi như thế nào là trái chuẩn mực đạo đức còn phụ thuộc rất lớn vào truyền thống văn hóa của mỗi nước, vì vậy phía nước ngoài sẽ khó có thể hiểu được bản chất của câu hỏi mà phía Việt Nam đặt ra; (3) “Ông D có quan điểm như thế nào về việc giải quyết vụ án tại Việt Nam?”. Trong nhiều phản hồi, phía nước ngoài có đề nghị ta làm rõ lý do tại sao chúng ta cần hỏi quan điểm của một công dân nước được yêu cầu (với tư cách người làm chứng) đối với vụ việc, vụ án mà Việt Nam đang xác minh, điều tra. Theo quy định của pháp luật nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Hồng Kông, cơ quan tiến hành tố tụng không được hỏi về quan điểm của người làm chứng đối với vụ việc đang điều tra, vì vậy phía nước được yêu cầu muốn làm rõ cụ thể phía Việt Nam cần thông tin gì và thông tin đó sẽ hỗ trợ gì cho quá trình điều tra của Việt Nam; (4) “Ông E có thể bị xử lý hình sự theo quy định của nước được yêu cầu hay không?”. Trong nhiều phản hồi, phía nước ngoài đã đề nghị Việt Nam làm rõ lý do của việc hỏi một công dân của họ liên quan đến vụ việc Việt Nam đang giải quyết có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu hay không.

Cơ quan trung ương của một số nước luôn khẳng định tư pháp là độc lập, việc xử lý một công dân phạm tội sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật trong nước, hơn nữa việc lấy lời khai công dân nước được yêu cầu sẽ chỉ với tư cách người làm chứng mà không phải người bị buộc tội... Nếu Cơ quan điều tra của Việt Nam lập yêu cầu đặt những câu hỏi thuần túy chỉ phù hợp với người làm chứng, bị hại hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong nước để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hỗ trợ lấy lời khai thì sẽ dẫn đến khó khăn cho họ. Một khi phía nước ngoài không hiểu được mục đích của việc yêu cầu lấy lời khai và ý nghĩa của những lời khai đó đối với hoạt động xác minh, điều tra, truy tố, xét xử của Việt Nam thì họ sẽ không đồng ý thực hiện tương trợ tư pháp.

2. Một số giải pháp

Một là, đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định TTTPHS song phương giữa Việt Nam và các nước để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TTTPHS nói chung, hoạt động TTTPHS liên quan đến lấy lời khai người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài nói riêng. Khi có hiệp định TTTPHS song phương, VKSND tối cao có thể gửi trực tiếp hồ sơ yêu cầu tới cơ quan trung ương về TTTPHS của nước được yêu cầu mà không phải gửi qua Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao như trường hợp không có hiệp định. Đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp định TTTPHS với Việt Nam, cùng với việc gửi hồ sơ chính thức qua kênh ngoại giao, có thể gửi bản scan của hồ sơ yêu cầu TTTPHS qua email để rút ngắn thời gian gửi, nhận và giải quyết yêu cầu. Cơ quan trung ương của nước được yêu cầu tiếp nhận bản scan của hồ sơ yêu cầu nếu thấy cần thiết bổ sung thông tin, tài liệu sẽ trao đổi trước với Vụ 13 VKSND tối cao để đề nghị phía Việt Nam bổ sung. Cách làm này cũng sẽ rút ngắn thời gian bổ sung thông tin, tài liệu, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu và cung cấp kết quả thực hiện cho phía Việt Nam.

Hai là, Cơ quan điều tra trong nước khi lập yêu cầu TTTPHS cần cố gắng cung cấp đầy đủ, chi tiết những thông tin, tài liệu mà phía nước ngoài yêu cầu cung cấp, làm rõ, đặc biệt là những thông tin về họ tên, địa chỉ... của người mà cần lấy lời khai để cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu có thể dễ dàng xác minh được người cần triệu tập và lấy lời khai, có đủ căn cứ đánh giá hành vi nêu trong yêu cầu của phía Việt Nam có cấu thành tội phạm hay không và từ đó quyết định thực hiện nội dung yêu cầu của Việt Nam. Trong quá trình trao đổi với đại diện cơ quan trung ương về TTTPHS của các nước, Vụ 13 VKSND tối cao đều có ý kiến đề nghị phía nước ngoài có cách tiếp cận linh hoạt hơn về nguyên tắc tội phạm kép trong hoạt động TTTPHS, dành cho nhau sự tương trợ tối đa nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện yêu cầu TTTPHS, từ đó góp phần giải quyết nhanh chóng, đúng quy định pháp luật nguồn tin về tội phạm và các vụ án hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân của mỗi nước. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng trong nước cũng cần nhận thức rằng việc đáp ứng các điều kiện về mặt pháp lý (bao gồm cả pháp luật nội dung và pháp luật về thủ tục tố tụng) của phía nước ngoài là điều cần thiết, vì nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật nước được yêu cầu thì nhiều khả năng cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu sẽ từ chối thực hiện tương trợ cho Việt Nam do yêu cầu của chúng ta không phù hợp với quy định của pháp luật nước được yêu cầu.

Ba là, đối với loại yêu cầu lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài, căn cứ nội dung vụ việc, vụ án, Cơ quan điều tra khi lập yêu cầu TTTPHS cần đặt những câu hỏi rõ ràng, cụ thể, đi vào bản chất của những nội dung thông tin mà phía Việt Nam muốn thu thập, cần tránh đặt những câu hỏi không phù hợp với truyền thống văn hóa, pháp lý của nước được yêu cầu. Việc đặt những câu hỏi cụ thể, rõ ràng sẽ giúp cho cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu hiểu đúng bản chất câu hỏi mà phía Việt Nam nêu ra.

Bốn là, việc Cơ quan điều tra của Việt Nam không thể trực tiếp gặp và hỏi người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài cũng ít nhiều ảnh hưởng để chất lượng và tính khách quan của lời khai. Vì vậy, Cơ quan điều tra các cấp có thể nghiên cứu khả năng lập yêu cầu TTTPHS để đề nghị phía nước ngoài cho người tiến hành tố tụng của Việt Nam thực hiện việc lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan qua cầu truyền hình. Việc tương tác trực tiếp qua cầu truyền hình với người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài cũng sẽ hiệu quả hơn việc phía Việt Nam gửi bản câu hỏi để đề nghị người tiến hành tố tụng của nước ngoài thay mặt chúng ta tiến hành lấy lời khai. Trong quá trình lấy lời khai qua cầu truyền hình, nếu người được hỏi chưa hiểu rõ nội dung câu hỏi, phía Việt Nam có thể giải thích rõ ràng để họ hiểu và cung cấp thông tin mà chúng ta đang cần thu thập. Đây là cách làm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đặc biệt phát huy hiệu quả trong thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nội dung lấy lời khai qua cầu truyền hình cũng đã được quy định trong Hiệp định TTTPHS giữa Việt Nam với một số nước như Tây Ban Nha, Anh, Australia, Hungary, Pháp...

Nguyễn Cẩm Tú