Hồi tưởng lại ngày 24/8/2023, như bao ngày với công tác tiếp dân như thường lệ, nhưng vào hôm ấy chúng tôi đã tiếp xúc với " một vị khách đặc biệt". Đấy là ông Trần Đức Liêu, 71 tuổi, ngụ Bình Dương, là người dân được chúng tôi hướng dẫn trong các thủ tục, giấy tờ pháp lý liên quan và cũng là người gửi cho đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) một là thư tay với nội dung hết sức đặc biệt.
Vẻ ngoài chất phát đậm chất Nam bộ, cầm trên tay một xấp hồ sơ được gói kĩ đặt trong giỏ quải đeo hông người, ông Liêu với dáng người gầy guộc đã vượt hơn 30 km để đến trụ sở cơ quan từ sáng sớm. Khi tiếp xúc với chúng tôi, chỉ ngoại trừ lúc trình bày ra các chứng cứ, tài liệu gốc chứng minh cho sự đúng đắn của mình thì không bao giờ ông để rời khỏi tay mình những xấp tài liệu này. Điều đó nói lên rằng hẳn ông phải là coi trọng những hồ sơ này lắm, bởi đối với ông chúng chính là con đường cứu cánh cuối cùng. Nhìn thấy dáng vẻ có phần kham khổ qua bao nhiêu năm đi tìm công lý, lặn lội từ khi còn ở các cấp cơ sở cho đến ngày nay là ở cấp cao chúng tôi. Thật lòng mà nói, với trọng trách của một người cán bộ Kiểm sát viên mang trên mình màu áo thiên thanh của ngành Kiểm sát Nhân dân danh giá, chúng tôi đã không khỏi xúc động.
Đôi mắt đỏ hoe vì tuổi đã cao của ông có khi ngấn lệ trong lúc trình bày với chúng tôi. Thảo qua từng hồ sơ, tài liệu mà ông đang có, chúng tôi cố gắng giải thích cho ông những nội dung còn vướng mắc hay không hiểu vì nhận thức Pháp luật hạn chế. Đôi mắt ông vẫn thế, vẫn kèm nhèm vì những giọt nước mắt vốn vẫn kìm nén từ khi mới bước vào phòng tiếp dân. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi hướng dẫn về cách thức, tính chất sự vụ liên quan đến vấn đề của ông, lúc đấy mắt ông như dần sáng trở lại vì nghĩ rằng đã thấy được những hi vọng mới. Sau ngày hôm ấy, ông vui vẻ ra về và không quên gửi lại chúng tôi một bức thư tay vào Hộp thư góp ý của cơ quan. Nhìn dáng đi liêu xiêu cùng màu tóc đã bạc của ông, chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng vì đã làm tròn bổn phận là hướng dẫn Pháp luật cho người dân, giúp họ tìm ra một tia hi vọng mới.
Việc của ông Liêu cũng như của bao người dân khác nhưng đôi khi còn muôn hình vạn trạng hơn. Cùng với sự biến chuyển ngày càng đa dạng và phức tạp của xã hội mà đặc biệt là liên quan đến mảng ngành Tư pháp như Viện kiểm sát hay Tòa án, .... thì chúng tôi - những cán bộ Kiểm sát viên với trọng trách là bảo vệ công lý, lẽ phải, dựa trên những chứng cứ chứng minh thực tế, khách quan, với tinh thần làm việc " trọng chứng hơn trọng cung ", chúng tôi phải luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh. Nhưng không vì thế mà chúng tôi lại vô tình quên đi chúng tôi còn có một trái tim ấm nóng, mang trong mình một nhiệm vụ hết sức đặc biệt là phụng sự Nhân dân.
Nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng ấy của người dân, mỗi cán bộ Kiểm sát viên trong đơn vị Viện cấp cao 3 luôn chủ động tìm tòi, học hỏi nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, bởi chính từ sự tinh thông Pháp luật sẽ chính là cơ sở để hình thành nên bản lĩnh của một người cán bộ ngành Kiểm sát Nhân dân.
Bên cạnh công tác xây dựng ngành thì việc xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát là rất đỗi quan trọng, nó gần như đóng vai trò mang tính quyết định làm nên sự thành công vẻ vang, sự tin yêu của người dân đối với ngành Kiểm sát.
Và ngày hôm nay, khi đến thời gian định kì mà cơ quan tiến hành mở các nội dung trong hộp thư góp ý của người dân đối với công tác liên quan của cán bộ, nhân viên tại đơn vị để kiểm tra thì đập vào mắt chúng tôi là lá thư của ông Trần Đức Liêu ngày hôm ấy. Nội dung thư được viết tay, tuy đơn giản nhưng hết sức chân tình, nó thể hiện tình cảm, sự " tin và yêu" của người dân khi tiếp xúc với cán bộ, nhân viên tại đơn vị Viện cấp cao 3. Sự tin yêu ấy của ông Liêu cũng như của bao người dân khác xuất phát từ thái độ đôn hậu, gần gũi, có cả những cảm thông sâu sắc nhưng cũng không kém phần đường hoàng, mẫu mực của một người cán bộ tiếp dân ngày ấy.
Thật sự đối với chúng tôi, đây là một phần thưởng tinh thần vô giá. Bởi nó thể hiện về mức độ tin cậy của người dân, người mà chúng tôi đang ngày đêm phục vụ với thái độ của một công bộc, đầy tớ như lời Bác Hồ đã căn dặn. Và cũng bởi tình cảm ấy không chỉ dành cho riêng đơn vị Viện cấp cao 3 chúng tôi mà còn là tiếng thơm cho cả ngành Kiểm sát Nhân dân.
" Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân"
Đó là lời mà Bác Hồ đã căn dặn đối với toàn thể đội ngũ cán bộ công tác trong Nhà nước nói chung và cán bộ Ngành Kiểm sát Nhân dân nói riêng, từ bao năm nay không hề thay đổi. Và cuối cùng, tập thể Lãnh đạo Viện cấp cao 3 cùng toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị tin tưởng rằng, sự " Phụng sự Nhân dân " không chỉ dừng ở những lời khen chê hay thành tựu lớn nhỏ mà nó còn là sự tập hợp của cả một quá trình đấu tranh nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, tìm lại công bằng đúng đắn cho người dân. Đó cũng là minh chứng đền đáp cho sự tin yêu, mến phục của Nhân dân dành cho cán bộ ngành Kiểm sát Nhân dân. Đồng thời cũng là tiền đề, cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hướng đến bờ thắng lợi./.
Huỳnh Tấn Thành - Văn phòng