Một số giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu lập hồ sơ kiểm sát, đảm bảo về hình thức, nội dung, thời hạn, đúng quy chế nghiệp vụ và hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Nội hàm nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm vụ việc dân sự phải được hiểu là nâng cao chất lượng lập hồ sơ, nâng cao chất lượng Thông báo trả lời đơn và Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bám sát quy trình, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Sao cho, việc trả lời đơn hay kháng nghị phải thấu đáo, toàn diện tất cả các vấn đề mà đương sự nêu ra và có khiếu nại. Việc giải quyết không đầy đủ, toàn diện các vấn đề mà đương sự nêu trong đơn của họ chính là căn cứ đề đương sự thực hiện việc tái khiếu, gây ảnh hưởng chung đến khâu công tác này. Mặt khác, việc nghiên cứu hồ sơ không chuyên sâu, không toàn diện, không bám sát về tố tụng và nội dung vụ án, dễ dẫn đến tình trạng thỏa hiệp, xuôi chiều với Bản án, quyết định của Tòa án, làm giảm sức chiến đấu của Ngành là “thanh bảo kiếm trong việc bảo vệ pháp chế, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Do đó, với tinh thần của cấp giám đốc thẩm, tái thẩm là một cấp “xét xử thứ ba”, đòi hỏi mỗi Kiểm sát viên (KSV), cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ được giao cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cũng như kỹ năng, trình độ để từ đó phát hiện những vi phạm nghiêm trọng của  Tòa án, dẫn đến Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Với phương châm của Viện trưởng VKSNDTC thể hiện tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 là “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”, trong năm 2022, Viện kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình nói chung và Phòng Giám đốc thẩm, tái thẩm nói riêng cam kết thực hiện năm công tác 2022 là “Nâng cao chất lượng nghiên cứu lập hồ sơ kiểm sát, đảm bảo về hình thức, nội dung, thời hạn, đúng quy chế nghiệp vụ và hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Do đó, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu, cam kết, đồng thời có những giải pháp để đạt được cam kết nói trên như sau:
Một là, Người nghiên cứu án phải nắm chắc nội dung vụ án, lập luận và các chứng lý mà Tòa án hai cấp nêu ra để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự; phải nắm bắt được cái cốt lõi của các vấn đề mà đương sự khiếu nại cũng như lập luận và chứng cứ mà họ nêu ra khi phản bác lại nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm từ đó định hình việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn của đương sự.
        Hai là, Cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình tác nghiệp cần tự nâng cao trình độ nghiệp vụ, luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Trước mắt, cần phải tự trang bị cho mình đầy đủ “vũ khí chiến đấu” trong hoạt động nghiên cứu, xây dựng hồ sơ kiểm sát, đó là các Quy chế: Quy chế về quy trình phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-VKSTC ngày 20/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 201); Quy chế công tác kiểm việc giải quyết các vụ, việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 364) cùng các biểu mẫu kèm theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gồm 65 biểu mẫu tố tụng). Việc lập hồ sơ kiểm sát và các tở trình, báo cáo, đề xuất, thông báo trả lời đơn, kháng nghị, yêu cầu hoãn thi hành án… của các cán bộ, KSV phải theo đúng biểu mẫu ban hành; Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 399); Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 279); Quyết định số 599/QĐ-VKSTC ngày 06/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về pháp luật, nghiệp vụ; báo cáo thỉnh thị, trả lời thỉnh thị trong ngành KSND (gọi tắt là Quy chế 599); Quyết định số 393/QĐ-VKSTC  ngày 01/7/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành KSND và Nghị định số 30//2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ… Mỗi cán bộ, KSV cần có một file lưu riêng về các loại văn bản này trong quá trình hoạt động của mình.
Ba là, đối với các vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích  công cộng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp  của người thứ ba, thì dù không có Đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của đương sự (tức là người tham gia tố tụng trong vụ án đó) thì cũng cần phải kiên quyết kháng nghị để bảo vệ các lợi ích chung cũng như đảm bảo cho việc chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh và thống nhất.
Bốn là, khắc phục ngay tình trạng để hồ sơ quá thời hạn nghiên cứu. Giải pháp đưa ra cho tình trạng này là ngay khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ, KSV cần vào Sổ thụ lý của cá nhân, từ đó xây dựng cho riêng mình bản kế hoạch nghiên cứu, thời gian nghiên cứu, tiến độ nghiên cứu (nếu cần thiết còn phải dự trù cả phương án xác minh, thời gian xác minh… để tránh tình trạng để hồ sơ quá thời hạn vì lý do chờ kết quả xác minh). Khi nghiên cứu hồ sơ, cán bộ, KSV cần phải trích cứu hồ sơ đầy đủ, phô đúng, phô đủ những tài liệu, chứng cứ liên quan trong quá trình giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của đương sự và chịu trách nhiệm với đề xuất, đường lối giải quyết vụ án mà mình đã đưa ra. Tránh việc đề xuất đường lối chung chung, không có chính kiến và không thể hiện rõ ràng quan điểm giải quyết hồ sơ vụ án.
Năm là, với đội ngũ cán bộ, KSV không đồng đều về chất lượng, có số lượng đội ngũ công chức  trẻ, không có nhiều kinh nghiệm, thì ngoài việc tự trau dồi kiến thức thì cũng cần có phương án đào tạo trong nội bộ Viện 2 theo tinh thần “tre già, măng mọc”, cần có những buổi tọa đàm, rút kinh nghiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ. Với những vụ án khó, không đồng nhất quan điểm giữa cán bộ, KSV xét xử hoặc với Lãnh đạo thì cũng cần thiết đưa ra thảo luận. Đó cũng là buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ.
Sáu là, trong tình hình dịch bệnh Covid 19 vẫn còn nhiều chuyển biến phức tạp với nhiều biến thể nguy hiểm trên thế giới. Tình hình Việt  Nam cũng chưa kiểm soát được dịch, do đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiên cứu hồ sơ, trình hồ sơ, duyệt hồ sơ… Trước mắt, cần nghiên cứu về cơ chế “chữ ký số”, scan các tài liệu, chứng cứ trong đám mây điện tử, lập “hồ sơ số”… là giải pháp đưa ra trong tình hình hiện nay.
Th.sỹ Nguyễn Nam Hưng - Viện 2