Một số kiến nghị về công tác áp dụng pháp luật đối với các vụ án tranh chấp Hôn nhân, gia đình

Tranh chấp hôn nhân gia đình nói chung và tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn nói riêng là loại tranh chấp phổ biến, phức tạp, có những vụ án kéo dài vì đây là tranh chấp giữa những người thân thích có quan hệ gia đình gần gũi. Ngoài ra, tính chất phức tạp và nhạy cảm của quan hệ tranh chấp này còn bao gồm sự chi phối, ảnh hưởng của các giá trị truyền thống về văn hóa, đạo lý trong gia đình, dòng tộc và hầu hết tài sản tranh chấp có giá trị lớn, liên quan đến nhà đất là những đối tượng tranh chấp có tính chất gay gắt, bức xúc. Việc giải quyết các vụ án tranh chấp chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn còn liên quan đến nhiều mối quan hệ pháp luật như: về sở hữu, về thừa kế, về tín dụng ngân hàng, về đất đai… Qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, chúng tôi nhận thấy còn một số quan điểm cần sự thống nhất trong nhận thức như sau:
1. Về thời điểm kết hôn, thời kỳ hôn nhân…:
1.1 Theo quy định tại điểm a, khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 của Quốc hội ngày 09/6/2000 hướng dẫn về thời kỳ “hôn nhân thực tế”, theo đó “nam nữ sống chung như vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”. Tuy nhiên, thực tiễn có trường hợp thỏa mãn các yếu tố về “hôn nhân thực tế” theo quy định tại Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 của Quốc hội ngày 09/6/2000 (nghĩa là gia đình có tổ chức lễ cưới theo tập quán mà không đăng ký kết hôn), nhưng vợ chồng sống ly thân, không quan tâm, chăm sóc, thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Sau đó, một bên vợ hoặc chồng chết thì lại có tranh chấp chia di sản thừa kế của người chết và cho rằng hôn nhân của mình với người vợ hoặc chồng đó là hôn nhân thực tế. Trong trường hợp này, theo thực tiễn xét xử tại một số Tòa án phía Nam là không công nhận hôn nhân với nhận định “Ông X và bà Y sống chung với nhau như vợ chồng từ năm 1968, không đăng ký kết hôn đến năm 1978 (trước ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực là ngày 03/01/1987) thì ông X và bà Y không còn sống chung với nhau. Điều này được chính bà Y thừa nhận trong quá trình giải quyết vụ án và tại Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 22/01/2021 và phù hợp với Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân số 172/UBND-XN ngày 07/11/2007 của UBND xã Bình Chuẩn. Do đó, có căn cứ xác định quan hệ hôn nhân giữa ông X và bà Y đã chấm dứt từ năm 1978”. Như vậy, trong trường hợp nam nữ sống chung nhưng không đăng ký kết hôn nhưng phải thực hiện nghĩa vụ của vợ chồng, phải sống chung, yêu thương và có tài sản tạo lập chung thì mới đủ điều kiện để xác định “hôn nhân thực tế” như Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 của Quốc hội ngày 09/6/2000 của Quốc hội đã hướng dẫn.
1.2 Về chấm dứt hôn nhân thực tế: Theo nội dung Án lệ số 41/2021/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) thông qua ngày 23 tháng 02 năm 2021 và được Chánh án TANDTC theo Quyết định số 42/QĐ-CA ngày 12 tháng 3 năm 2021, tình huống án lệ và giải pháp pháp lý như sau “Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Trường hợp này, phải xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt”. Tuy nhiên, Án lệ này lại không đưa ra được tình huống người vợ hoặc người chồng đầu tiên chết trước, sau đó người vợ/người chồng tiếp tục chắp nối với người vợ thứ hai. Cả hai quan hệ hôn nhân và gia đình này đều được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 (tức Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 vẫn có hiệu lực) thì khi phân chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện như thế nào? Tình huống pháp lý trong quá trình giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình mà bản thân tác giả đã gặp như sau: “Các đương sự đều thống nhất đất có nguồn gốc của cha, mẹ cụ Cẩn để lại cho cụ Cẩn. Tuy nhiên, nguyên đơn (ông Đúng) cho rằng đây là tài sản chung của cụ Cẩn và cụ Ráng (cha, mẹ ông Đúng) nên khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là quyền sử dụng đất nói trên. Còn ông Nhàn (bị đơn) cho rằng nguồn gốc đất là tài sản chung của cụ Cẩn và cụ Phú (ông, bà ngoại của ông Nhàn), cụ Cẩn để lại cho cá nhân bà Khai (con gái cụ Cẩn, mẹ ông Nhàn). Sau khi bà Khai chết, ông Nhàn được nhận thừa kế từ bà Khai. Đến ngày 23/5/2017, ông Nguyễn Văn Nhàn được UBND huyện Bình Đại cấp Giấy CNQSDĐ nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Đúng. Thấy rằng: Các đương sự đều thừa nhận đất là của ông, bà cố để lại cho cụ Cẩn. Cụ Phú, cụ Ráng đều là vợ hợp pháp của cụ Cẩn (hôn nhân xác lập trước khi Luật hôn nhân gia đình năm 1986 có hiệu lực pháp luật) nhưng lại không chứng minh được đây là tài sản chung của cụ Cẩn với người vợ nào. Tòa án hai cấp chỉ căn cứ vào lời khai của ông Cáo (cũng là nguyên đơn trong vụ án) và lời trình bày của bà Lê Thị Niềm về việc “xác định cụ Phú chết trước cụ Mới 04 ngày do bệnh dịch tả” để xác định cụ Phú chết trước cố Mới (mẹ ông Cẩn). Từ đó xác định đây không phải là tài sản chung của cụ Phú và cụ Cẩn là chưa đủ căn cứ vững chắc. Trường hợp này, khi không có tài liệu chứng cứ chứng minh về quá trình tạo lập, quản lý tài sản thì cần công nhận đây là tài sản chung của cả 3 cụ: cụ Cẩn, cụ Phú, cụ Ráng thì mới đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên và phù hợp với quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959”. Theo quan điểm của tác giả, trường hợp này cần phải công nhận cả hai quan hệ hôn nhân, nghĩa là quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân hợp pháp. Tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân giữa người vợ/người chồng với 2 cuộc hôn nhân này đều là tài sản chung của vợ chồng và khi phân chia di sản thừa kế cần phải đảm bảo các quy định về thừa kế cho các hàng thừa kế hợp pháp của các đồng thừa kế.
2. Về xác định tài sản chung của vợ chồng:
Theo quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, theo đó vợ chồng có quyền “thỏa thuận về chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận”. Như vậy, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì chế độ tài sản của vợ chồng có hai hình thức là chế độ tài sản theo luật định và chế độ tài sản theo thỏa thuận (hay còn gọi là chế độ tài sản ước định).
+ Về chế độ tài sản theo luật định: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau “Tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này, tài sản mà vợ chồng được thừa kế hoặc được tặng choc hung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”. Hướng dẫn cụ thể cho quy định này, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình đã giải thích thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định này; Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật…
Ảnh minh họa
+ Về chế độ tài sản theo thỏa thuận (hay còn gọi chế độ tài sản ước định): Đây là nội dung mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Chế định tài sản ước định (chế độ tài sản theo thỏa thuận) bao hàm các chế độ đặc thù mà vợ chồng thông qua hợp đồng hôn nhân, lựa chọn quan hệ tài sản tùy theo hoàn cảnh sống, ý chí chủ quan của chính mình. Những chọn lựa này, sau khi đã được thỏa thuận hợp pháp thì quan hệ tài sản ấy được công nhận và nếu có tranh chấp xảy ra sẽ căn cứ theo thỏa thuận ban đầu mà giải quyết. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau, bao gồm: hợp đồng tiền hôn nhân, hôn ước hay thỏa thuận trước hôn nhân. Dù tồn tại dưới tên gọi nào thì chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ có hiệu lực và được áp dụng khi thỏa thuận này được xác lập trước khi kết hôn dưới hình thức văn bản được công chứng hoặc chứng thực. Thời điểm chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng được xác lập là kể từ ngày đăng ký kết hôn. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản chỉ được thể hiện dưới hình thức văn bản và có chữ ký của vợ và chồng vẫn chưa đủ để thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận này mà còn cần phải được công chứng hoặc chứng thực. Sở dĩ, pháp luật Việt Nam đòi hỏi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực để đảm bảo hiệu lực đối với loại thỏa thuận này là để tránh trường hợp thỏa thuận bị vô hiệu, không thể thực hiện được trên thực tế do chứa các nội dung vi phạm điều cấm của luật và để tránh xảy ra các tranh chấp liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng. Việc thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng dẫn đến sự thay đổi về quyền định đoạt tài sản của vợ và chồng. Do đó để đảm bảo tính hiệu lực của các giao dịch dân sự đối với người thứ ba, luật cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến thỏa thuận về tài sản trong trường hợp có giao dịch với người thứ ba. Đây là nghĩa vụ bắt buộc của vợ, chồng khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài chung, tài sản riêng của mỗi bên khi áp dụng thỏa thuận chế độ tài sản. Nếu vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba trong giao dịch sẽ được xem là ngay tình và được giải quyết theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Nhìn chung, quy định của pháp của pháp luật Việt Nam ưu tiên bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng. Mặc dù có những quy định cụ thể tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận giữa vợ và chồng, bất kể có yếu tố nước ngoài hay không, cũng còn nhiều hạn chế. Các Văn phòng công chứng thường cũng khá e ngại đối với việc chứng thực một văn bản thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng nếu có tài sản ở nước ngoài, hoặc nếu có yêu cầu chứng thực thì văn phòng công chứng thường cũng yêu cầu các bên sử dụng các mẫu thỏa thuận đã được soạn sẵn với các nội dung cũng không thay đổi gì với quy định của luật để tránh rủi ro bị tuyên vô hiệu. Bên cạnh đó, khi chia tài sản chung của vợ chồng thường sẽ xảy ra tranh chấp giữa hai bên làm cho một bên bị mất một phần lợi ích hoặc có trường hợp một bên không chịu chia tài sản mà dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân.
3. Về xác định nghĩa vụ (nợ) chung của vợ chồng:
Đây là một trong những tình huống thực tiễn xảy ra nhiều tranh chấp và phổ biến nhất. Bản thân ở Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều kháng nghị liên quan đến việc xác định nghĩa vụ (nợ) chung của vợ chồng. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, phải “làm rõ và thu thập để xác minh việc bà Nhung sử dụng khoản vay trên vào mục đích gì? Có phải nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hay không?”. Như vậy, việc điều tra, xác minh về việc sử dụng khoản tiền (nợ) vay rất quan trọng trong việc xác định nghĩa vụ chung của vợ chồng. Về nhu cầu thiết yếu của vợ chồng đã được hướng dẫn tại Khoản 20, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thướng khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Chỉ khi thỏa mãn là sử dụng khoản tiền vay vào mục đích nhu cầu thiết yếu như hướng dẫn đã liệt kê thì mới là căn cứ để xác định đây là khoản nợ chung của vợ, chồng.
- Tuy hướng dẫn đã liệt kê về các trường hợp được xác định là “nhu cầu thiết yếu của gia đình” như trên, nhưng trong kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh còn bổ sung thêm trường hợp là sử dụng tiền vay vào mục đích kinh doanh của hộ gia đình cũng thuộc trường hợp của Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể “Theo Biên bản phiên tòa sơ thẩm, Biên bản phiên tòa phúc thẩm, lời khai của đương sự thể hiện: Bà Dung có cửa hàng kinh doanh lúa gạo, hoạt động kinh doanh của bà Dung là hoạt động tạo thu nhập cho gia đình; số tiền vay nợ, chơi hụi là nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh. Quá trình giải quyết vụ án, ông Huyện cũng thừa nhận bà Dung vay tiền để kinh doanh gạo, lúc đầu ông Huyện có ý định trả nợ cho bà Hương nhưng sau đó biết số nợ nhiều quá nên không đồng ý trả, ông Huyện cũng thương lượng với bà Hương nhiều lần về việc trả nợ nhưng không thành. Như vậy, có đủ căn cứ xác định số tiền bà Dung vay nợ, chơi hụi là nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân gia đình. Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Huyện cùng có nghĩa vụ liên đới với bà Dung trả nợ cho bà Hương là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng ông Huyện không ký tên vào biên nhận vay tiền, chơi hụi nên không có trách nhiệm trả nợ là không đúng với quy định nêu trên, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án”.
Như vậy, có thể coi Quyết định kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những quan điểm để mở rộng về nghĩa vụ chung của vợ chồng hay không? Để thống nhất trong đường lối giải quyết vụ án, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được coi là “đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”.
4. Về nợ riêng của vợ hoặc chồng.
Đối lập với việc xác định nghĩa vụ (nợ) chung của vợ chồng thì việc xác định nợ riêng của vợ hoặc của chồng cũng là một vấn đề gây nhiều tranh luận cũng như thực tiễn xét xử còn nhiều quan điểm khác nhau. Theo nội dung hướng dẫn của Dự thảo hướng dẫn một số nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì “Nợ riêng của vợ hoặc của chồng là các khoản nợ do một bên xác lập không phải là nợ chung. Đối với khoản nợ riêng này, bên xác lập có trách nhiệm trả toàn bộ khoản nợ mà không được phép tự ý sử dụng tài sản chung của vợ chồng để thanh toán cho các khoản nợ này”. Hướng dẫn nêu trên quá chung chung, không cụ thể và không thể giải thích cho một loạt các tranh chấp trên thực tiễn khi người vợ hoặc người chồng không đồng ý liên đới cùng trả nợ. Trong trường hợp này, theo chúng tôi, nếu như vợ hoặc chồng không thực hiện chế độ tài sản ước định (chế độ tài sản theo thỏa thuận) thì việc chứng minh là nợ chung hay nợ riêng cần phải điều tra, xác minh. Trên cơ sở loại trừ các trường hợp về nghĩa vụ chung của vợ chồng theo quy định của Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hoặc nghĩa vụ bồi thường của vợ chồng, cha mẹ đối với con theo quy định của pháp luật dân sự thì nên chăng xác định theo “tình trạng suy đoán” và “người nào yêu cầu vợ chồng có nghĩa vụ liên đới thì phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh”.
- Về xác định giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng: Theo nội dung Dự thảo thì được “xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm  vụ việc”, nhưng lại không hướng dẫn giá thị trường là giá do Hội đồng định giá của Tòa án trưng cầu hay giá của các đương sự thống nhất, giá do Trung tâm thẩm định, định giá tư nhân? Khi có mâu thuẫn trong việc xác định giá giữa các bên thì giải quyết như thế nào? Trường hợp vụ việc bị hủy nhiều lần thì lấy giá của thời điểm xét xử sơ thẩm lần đầu hay của lần xét xử sơ thẩm hiện tại?
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc cũng như quan điểm của tác giả về thực tiễn áp dụng pháp luật hôn nhân gia đình trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự nói chung và kiểm sát giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình nói riêng. Rất mong Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thời gian tới sẽ sớm ban hành “Hướng dẫn một số nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn” với vai trò như một cuốn cẩm nang, Sổ tay của Kiểm sát viên và tập hợp được tất cả những khó khăn, vướng mắc cũng như có các giải pháp hướng dẫn cụ thể đối với những nhận thức không đúng, không đầy đủ của Tòa án địa phương, làm cơ sở để Viện kiểm sát kịp thời ban hành các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật và Quy chế của ngành.
 Nguyễn Nam Hưng – Viện 2