Nguyên nhân và giải pháp trong việc phối hợp thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm giữa Viện cấp cao 3 với Viện kiểm sát địa phương đối với các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, ngày 02/3/2017, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là Viện cấp cao 3) đã ban hành Công văn số 60/CV-VC3, đến ngày 26/02/2020, Viện cấp cao 3 tiếp tục  ban hành Công văn số 60/CV-VC3 (viết tắt là Công văn số 60) cùng về việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (viết tắt là Viện kiểm sát địa phương) với Viện cấp cao 3 trong công tác kháng nghị phúc thẩm các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện cấp cao 3 
Trong thời gian thực hiện Công văn số 60, công tác phối hợp trong lĩnh vực này đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Qua công tác phối hợp, nhiều Viện kiểm sát địa phương đã kịp thời phát hiện thêm những hạn chế, thiếu sót, vi phạm của Tòa án cùng cấp để thực hiện quyền kháng nghị hoặc báo cáo Viện cấp cao 3 ban hành kháng nghị phúc thẩm như: VKSND Thành phố Hồ Chí Minh, VKSND thành phố Cần Thơ, VKSND tỉnh Sóc Trăng, VKSND tỉnh Long An, VKSND tỉnh Đồng Tháp, VKSND tỉnh Trà Vinh,… nhằm đảm bảo cho việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án đúng quy định của pháp luật, hạn chế số lượng án sơ thẩm bị hủy, sửa góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát địa phương với Viện cấp cao 3 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
1. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp kháng nghị phúc thẩm
1.1. Về thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm
Khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án”. Trong thời gian qua, một số vụ án vẫn còn trong thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp nhưng Viện kiểm sát địa phương không thực hiện quyền năng theo luật định, không trao đổi, phối hợp mà báo cáo để Viện cấp cao 3 kháng nghị phúc thẩm là chưa thực hiện hết trách nhiệm của Viện kiểm sát địa phương theo quy định tại điểm 2.4.1, tiểu mục 2.4, Mục 2, Phần II của Chỉ thị số 10 và Công văn số 60.
1.2. Về việc phối hợp giữa Viện kiểm sát địa phương với Viện cấp cao 3
- Theo nội dung Công văn số 60:“Trong trường hợp có căn cứ để kháng nghị phúc thẩm, thì Viện kiểm sát địa phương chỉ đạo Kiểm sát viên xây dựng dự thảo kháng nghị, nếu đến ngày cuối cùng của thời hạn kháng nghị cùng cấp mà Tòa án không gửi bản án thì Viện kiểm sát địa phương phải báo cáo kèm theo hồ sơ kiểm sát hoặc các chứng cứ và dự thảo kháng nghị đến Viện cấp cao 3”.
Những vụ án nêu trên, mặc dù Viện kiểm sát địa phương có báo cáo đề nghị Viện cấp cao 3 xem xét kháng nghị phúc thẩm, nhưng không gửi hồ sơ kiểm sát hoặc các tài liệu, chứng cứ và dự thảo kháng nghị đến Viện cấp cao 3, nên không có cơ sở hoặc không đủ thời gian để xem xét kháng nghị phúc thẩm trên một cấp.
- Theo Công văn số 60:“Nếu vụ, việc phức tạp mà thời hạn kháng nghị trên một cấp còn dưới 07 ngày thì Viện kiểm sát địa phương cần chủ động cử Kiểm sát viên và lãnh đạo phụ trách báo cáo trực tiếp Viện cấp cao 3. Thực hiện nghiêm túc chế độ thỉnh thị kháng nghị”.
Thực tế trong thời gian qua, một số Viện kiểm sát địa phương chỉ gửi báo cáo đề nghị kháng nghị phúc thẩm và Bản án sơ thẩm của Tòa án mà không gửi hồ sơ kiểm sát hoặc các tài liệu, chứng cứ đến Viện cấp cao 3; không có sự trao đổi, phối hợp đối với những vụ, việc phức tạp, những trường hợp cần phải kháng nghị phúc thẩm hay không, nhằm góp phần nâng cao chất lượng kháng nghị, hạn chế số lượng rút kháng nghị, án bị hủy, sửa, đảm bảo chỉ tiêu của Ngành do Quốc hội giao.  
- Theo khoản 5, Điều 26 của Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) quy định:Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải sao gửi ngay bản án, quyết định kèm theo Phiếu kiểm sát bản án, quyết định, thông báo việc kháng cáo (nếu có) cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.
Do Tòa án gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát cùng cấp không đúng thời hạn luật định nên việc gửi bản án, quyết định kèm theo phiếu kiểm sát lên Viện cấp cao 3 cũng chậm theo. Theo số liệu thống kê của Viện cấp cao 3, tính từ ngày 01/12/2021 đến ngày 28/02/2022 Viện cấp cao 3 nhận được 700 bản án, quyết định, trong đó quá hạn 174 bản án, quyết định (chiếm 24,9%). Việc gửi bản án, quyết định kèm theo phiếu kiểm sát cho Viện cấp cao 3 không đúng thời hạn dẫn đến không thể xem xem xét kháng nghị phúc thẩm được.
2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo ở nhiều Viện kiểm sát địa phương chưa quyết liệt, có quan tâm nhưng chưa đúng mức; tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực và khả năng phát hiện vi phạm của Kiểm sát viên còn hạn chế; sự phối hợp giữa Viện kiểm sát địa phương với Viện cấp cao 3 trong công tác kháng nghị phúc thẩm chưa được thường xuyên, thiếu chặt chẽ; việc gửi bản án, quyết định, báo cáo thỉnh thị, trao đổi nghiệp vụ chưa được kịp thời.
Đồng chí Cao Minh Trí - Viện trưởng Viện 2 (Viện cấp cao 3)
 3. Một số giải pháp trong thời gian sắp tới nhằm tăng cường công tác phối hợp kháng nghị phúc thẩm giữa Viện cấp cao 3 và Viện kiểm sát địa phương.
3.1 Giải pháp về công tác phối hợp
- Viện kiểm sát địa phương cần phải tăng cường mối quan hệ phối hợp với Viện cấp cao 3, cùng trao đổi kinh nghiệm để áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết án, cùng đề ra các biện pháp cụ thể và thiết thực để tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm; thông tin kịp thời các vi phạm để trao đổi nghiệp vụ, chủ động thực hiện quyền kháng nghị trong thời hạn luật định của Viện kiểm sát cùng cấp.
- Viện kiểm sát địa phương cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện chức năng kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án ngang cấp; có biện pháp tác động tích cực, quyết liệt và thực hiện quyền kiến nghị để Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện đúng quy định tại khoản 2, Điều 269 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; thường xuyên phối hợp với Viện cấp cao 3 trong việc gửi, nhận bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án qua hộp thư điện tử.
- Viện kiểm sát địa phương cần kiểm tra chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc báo cáo sau xét xử của Kiểm sát viên. Đối với những vụ, việc sau khi xét xử sơ thẩm, quan điểm giữa VKS địa phương với Hội đồng xét xử khác nhau mà có căn cứ để kháng nghị phúc thẩm thì lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương cần chỉ đạo Kiểm sát viên chủ động xây dựng dự thảo kháng nghị để đảm bảo thực hiện đúng tinh thần nội dung Công văn số 60.
- Khi ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm phải cân nhắc kỹ, bảo đảm tính có căn cứ và tính chính xác, đây là yếu tố quan trọng mang tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác kháng nghị. Nội dung kháng nghị phải được phân tích, nêu rõ vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm về tố tụng, về đánh giá chứng cứ, về áp dụng pháp luật, quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Kháng nghị phải đảm bảo chặt chẽ về hình thức, nội dung, thủ tục, thời hạn theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Quy chế về nghiệp vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự và mẫu quy định của Ngành.
3.2 Giải pháp cụ thể:
Ngày 06/8/2021, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 07/CT-VKSTC tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự (viết tắt là Chỉ thị số 07) thay thế Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 07, Viện cấp cao 3 đề nghị Viện kiểm sát địa phương thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 07 và Công văn số 60. Lãnh đạo VKS địa phương quan tâm hơn nữa công tác kiểm tra, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ hơn công tác kháng nghị phúc thẩm, có chương trình, biện pháp cụ thể để thực hiện Chỉ thị số 07 và Công văn số 60, thường xuyên kiểm tra công tác kiểm sát bản án, quyết định của Kiểm sát viên.
- Đối với Kiểm sát viên phải không ngừng học tập, luôn tự giác tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ, gắn lý luận với thực tiễn, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, phát hiện vi phạm, vận dụng các quy định của pháp luật khi thực hiện công tác kiểm sát, phát huy tinh thần trách nhiệm, đảm bảo tính trung thực, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Đối với những vụ việc phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau thì kịp thời báo cáo, trao đổi, thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên theo quy định của Ngành.
- Đối với những vụ án Tòa án có quan điểm khác với Viện kiểm sát cùng cấp, đề nghị Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ của Viện kiểm sát địa phương trao đổi ngay (sau khi tuyên án, không chờ đến khi nhận được bản án) với Lãnh đạo Viện nghiệp vụ của Viện cấp cao 3. Đồng thời, gửi kèm bản scan: Bài phát biểu của Kiểm sát viên và Báo cáo đề xuất đối với vụ án đó theo địa chỉ email của tổng hợp Viện 2.
Th.sỹ Cao Minh Trí – Viện trưởng Viện 2.
Th.sỹ Nguyễn Nam Hưng – KSV Trung cấp Viện 2