Những nhà giáo trong ngành Kiểm sát nhân dân

Ngày 20/11 hàng năm là dịp để mọi thế hệ học sinh, sinh viên, những người đã đi qua bao năm tháng dùi mài rèn luyện trên ghế nhà trường được một lần nữa gửi những lời cảm ơn, lời chúc tốt đẹp cùng tình cảm tri ân sâu sắc đối với công ơn dạy dỗ của những người Thầy, người Cô của mình. Nhà giáo là một danh xưng cao quý của xã hội bởi sự hi sinh trên con đường gieo mầm tri thức cho thế hệ kế cận là vô bờ bến. Có đôi khi nó còn là cả quá trình vô cùng truân chuyên mới đưa được con chữ và tri thức đến những nơi xa xôi, hẻo lánh tận vùng biên giới, hải đảo, nơi phên dậu của Tổ quốc như Trường Sa.

1

Lá thư của Thầy và các trò ở Trường Sa gửi vào đất liền (Ảnh: sưu tầm Internet)

Những người Thầy, người Cô tận tụy ấy đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, họ chấp nhận bớt đi những thú vui tầm thường, sự xa hoa, hỷ lạc nơi phố thị để chuyên tâm cần mẫn dạy dỗ, góp nhặt tri thức cho những mầm non hi vọng tương lai của Tổ quốc. Trong tâm khảm của những “Nhà giáo nhân dân” chắc chắn không thể có gì ngoài cái khát khao vun trồng sự học, tưới tắm nên suối nguồn tri thức cho bao thế hệ người Việt Nam. Đó cũng là niềm tin, sự mong mỏi trong di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trước lúc Bác ra đi, Bác mong muốn dân tộc Việt Nam sau này sẽ đủ trí và cả tâm, tầm, tài mà sánh vai với các cường quốc năm châu…

2

Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội), năm 1958. (Ảnh tư liệu sưu tầm)

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT và chọn ngày 20/11 hằng năm là ngày kỷ niệm mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Đây cũng là ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam.

3

Quyết định số 167/HĐBT, ngày 28/8/1982 lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam

(hình ảnh tư liệu lịch sử: sưu tầm internet).

Trong ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) hiện nay, có 02 cơ sở giáo dục - đào tạo chuyên nghiệp là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 614/QĐ-TTg ngày 24/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (tiền thân là Trường Cán bộ kiểm sát, thành lập theo Quyết định số 220/QĐ ngày 12/10/1964 của Viện trưởng VKSND tối cao). Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 445/QĐ-VKSTC-V15 ngày 02/6/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao (tiền thân là Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát, thành lập theo Quyết định số 02/QĐ-V9 ngày 07/01/1978 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Rất nhiều công chức, Kiểm sát viên của VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trong ngành KSND nói chung, vô cùng vinh dự và tự hào khi được học tập, đào tạo, rèn luyện và trưởng thành từ 02 cơ sở đào tạo chính quy của Ngành nêu trên. Môi trường học tập chuyên biệt về chuyên môn, nghiệp vụ Kiểm sát đã góp phần quan trọng hình thành nên đội ngũ công chức, Kiểm sát viên trách nhiệm, bản lĩnh và tâm huyết với Ngành như hiện nay. Kết quả đó không thể thiếu sự quan tâm, dạy dỗ cùng hỗ trợ nhiệt thành từ các “nhà giáo ngành KSND. Những người Thầy trong Ngành đã không ngừng tiếp nối sự nghiệp trau dồi kiến thức qua hơn 60 năm hình thành và phát triển của Ngành, ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê và lí tưởng vì sự nghiệp Kiểm sát vẫn ngày đêm bùng cháy trong tim của những người Thầy đáng kính. Và tại đơn vị VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng vô cùng tự hào khi nhiều đồng chí lãnh đạo đơn vị qua các thời kì và đương nhiệm cũng chính là những nhà giáo trong ngành KSND, có các đồng chí Viện trưởng còn là nguyên Hiệu trưởng Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong hai cái nôi đào tạo ra lực lượng cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành KSND.

4

Tiến sĩ Lê Đức Xuân, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đương nhiệm (Ảnh: tư liệu ngành KSND).

Kỷ niệm 42 năm Ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), bên cạnh việc tôn vinh những người làm công tác trồng người, xã hội ngày càng nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của lực lượng nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo các thế hệ trẻ để tiếp nối con đường thực hiện mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Trong ngành KSND, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước Pháp quyền hiện nay, đòi hỏi Ngành phải nhanh chóng có sự đổi mới toàn diện cả về quy mô lẫn chất lượng hoạt động, đặc biệt là về chất lượng của thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên thời kì mới, phải luôn “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỉ cương và trách nhiệm”, thì trọng trách của đội ngũ nhà giáo trong ngành KSND lại trở nên vất vả hơn bao giờ hết.

6

Buổi lễ trao danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (Cổng TTĐT VKSTC).

Nhân kỷ niệm ngày 20/11 năm nay, Ban Biên tập Trang thông tin điện tử VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xin gửi lời chúc đến các thế hệ Nhà giáo Việt Nam, “những người lái đò tri thức luôn được mạnh khỏe, gia đình bình an cùng muôn điều hạnh phúc, đồng thời chúng tôi – các thế hệ trẻ hiện tại, sẽ luôn cố gắng giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến lịch sử…

 Huỳnh Tấn Thành - Văn phòng Viện cấp cao 3