Thực hiện 50 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Thế hệ trẻ luôn là một lực lượng đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ trong mọi giai đoạn lịch sử của dân tộc. Để xây dựng được một thế hệ trẻ, nhiệt huyết, trí tuệ, sáng tạo đòi hỏi hệ thống chính trị của một quốc gia phải có sự đầu tư giáo dục, định hướng lâu dài, tạo thành nền tảng vững chắc đảm bảo xây dựng lực lượng cách mạng mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tương lai. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn coi “con người” là vốn quý nhất, là yếu tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Sinh thời, Người đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” với nội hàm chỉ ra tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đồng thời muốn xây dựng được một con người “vừa hồng vừa chuyên” là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều thử thách, rèn luyện. Tư tưởng giáo dục ấy không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khoẻ và thẩm mỹ.
Đối với thế hệ trẻ, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.  Do đó, rèn luyện, bồi dưỡng thế hệ trẻ là một chiến lược tất yếu trong xây dựng, phát triển và bảo về Tổ quốc. Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn Đảng và Nhà nước ta phải có nhiệm vụ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Bút tích di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kế thừa và quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp cao cả và Di chúc thiêng liêng đó của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của giáo dục, từng bước xây dựng con người Việt Nam tiến bộ, hoàn thiện về thể chất và nhân cách, quan tâm xây dựng thế hệ trẻ đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam, đảm bảo hội nhập quốc tế và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Trong từng giai đoạn, mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đối với nền giáo dục nói chung, giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng được Đảng ta xác định cụ thể nhiệm vụ, trong đó có sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới.
Trước hết, bước vào thời kỳ đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI xác định: Giáo dục nhằm mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ thuật đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội. Đến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII nêu rõ: mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Tại văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) Đảng ta đã xác định nhiệm vụ và mục đích cơ bản của giáo dục Việt Nam là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khoẻ, là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" như lời căn dặn của Bác Hồ. Đại hội Đảng lần thứ IX, một lần nữa Đảng ta khẳng định: Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập, thực hiện phương châm học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội.
Tại Đại hội X, Văn kiện Đại hội khẳng định: Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nướcĐảng chủ trương:  Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh hơn nữa mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện nhất là thế hệ trẻ.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ đã nhấn mạnh: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. 
Tiếp tục kế thừa và phát triển nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng (khóa XI), Văn kiện Đại hội khóa XII của Đảng xác định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu gia đình, sống tốt và làm việc hiệu quả. Từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Như vậy, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, trong mọi hoàn cảnh Đảng ta đã luôn chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong từng thời kỳ. Hơn 50 năm qua, lịch sử đã chứng minh chân lý của Bác và giá trị của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ của Đảng với các thế hệ đã và đang góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam văn minh, ổn định và phát triển trong thời đại mới, giúp Việt Nam vươn mình trên trường quốc tế.
Trong Bản di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên của Người là nói về Đảng
Trên cơ sở chủ trương, đường lối, nghị quyết lãnh đạo của Đảng và của các tổ chức đảng cấp trên, trong những năm qua cấp ủy, lãnh đạo và toàn thể chi bộ Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và xây dựng quy chế, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, kinh ngiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trẻ nhằm đảm bảo đáp ứng tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trước những diễn biến ngày càng phức tạp của xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thành quả của những cố gắng, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động Viện kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính được thể hiện qua kết quả hoàn thành tốt nhiệm vụ, đơn vị vững mạnh toàn diện trong thời gian qua. Với đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, đời tư trong sáng, giản dị, đơn vị đã xây dựng một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao về cả ý chí và hành động; thực hiện tốt chức năng kiểm sát tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của toàn dân. Đặc biệt, thành quả xây dựng Viện kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính vững mạnh toàn diện đã góp phần vào phong trào chung của đất nước nhằm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, tập thể Viện kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính quyết tâm phấn đấu, phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Bác, xây dựng nghị quyết chuyên đề và đưa từng nội dung của Di chúc vào nếp sinh hoạt, học tập, công tác thường xuyên của đơn vị gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị trong tình hình mới./.
Lê Vân Anh – Viện 3