Theo thông báo đặc biệt tối 2/4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, nhà cách mạng lão thành của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đã từ trần vào lúc 10 giờ 30 ngày 2/4/2025, hưởng thọ 102 tuổi.
Tiếc thương vô cùng trước sự ra đi của một người con ưu tú, một nhà lãnh đạo xuất sắc và chiến sĩ cách mạng kiên trung
Bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của một đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của nước Lào và cũng là người bạn lớn của Việt Nam, theo đó vào ngày 3-4, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát thông cáo đặc biệt cho biết:
“Để tỏ lòng thương tiếc đồng chí Khamtay Siphandone và xuất phát từ quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định để tang đồng chí Khamtay Siphandone theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày, từ ngày 4 đến 5-4-2025”.
Tổng Bí thư Tô Lâm ghi sổ tang nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Khamtay Siphandone. (Ảnh: nguồn TTXVN)
Từ tình đồng chí, tình anh em lịch sử đến mối quan hệ thủy chung giữa 02 Đảng, 02 nước Việt Nam-Lào
Theo dòng lịch sử của thời kỳ đấu tranh cách mạng gian khổ, đặc biệt là từ cuối thế kỉ XIX, giai đoạn thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Nhân dân hai nước Việt Nam-Lào đã luôn kiên cường, bất khuất để liên minh chống lại kẻ thù chung, từ đó dựng nên những chiến thắng vẻ vang, tạo lập nền tảng phát triển cho tình đồng chí, tình anh em lịch sử đến ngày hôm nay.
Đồng chí Khamtay Siphandone, thời điểm là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào phát biểu tại buổi gặp mặt các chuyên gia, gia đình quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh ở chiến trường Lào (1977)
(Ảnh: Nguồn Báo Nhân dân).
Vào năm 1963, sau khi hai nước Lào và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao được 1 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không khỏi xúc động khi sáng tác những vần thơ dù giản dị nhưng vô cùng sâu sắc để nói lên tình cảm trong sáng, thắm thiết của Đảng và Nhân dân hai nước:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt- Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”
Tương lai dù có trải qua bao năm tháng vật đổi sao dời nhưng Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước luôn khẳng định sự quyết tâm và coi việc cùng nhau tiếp tục bảo vệ, phát triển mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào chính là một nhiệm vụ chính trị, ngoại giao quan trọng. Đồng thời, trên cơ sở ấy cũng đề ra những định hướng và chính sách hành động ngoại giao hiệu quả. Qua đó, vận dụng và phát huy tinh thần độc lập, tự lực tự cường, cùng nhau phát triển đi lên.
Tấn Thành - Văn phòng Viện cấp cao 3