Tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự

Vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 07/CT-VKSTC về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày 06/8/2021, thay thế Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Theo đó, thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị yêu cầu Toà án khắc phục vi phạm được Toà án chấp nhận, bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự của Toà án đúng quy định của pháp luật. Kết quả công tác kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc dân sự của VKSND các cấp đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như: Một số vi phạm của Toà án chưa được Viện kiểm sát phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị, số lượng kháng nghị có xu hướng giảm, chất lượng kháng nghị của một số Viện kiểm sát chưa đạt yêu cầu,…
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị của VKSND theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, thực hiện tốt chỉ tiêu về công tác kháng nghị theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và của Ngành đề ra, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Viện trưởng VKSND các cấp trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, xác định khâu công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của đơn vị; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kháng nghị; trực tiếp nghe báo cáo, quyết định việc kháng nghị, việc bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị trước khi mở phiên toà, phiên họp. Lựa chọn, bố trí công chức có năng lực, trình độ và kinh nghiệm để thực hiện công tác này.
2. VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ với Tòa án để nắm rõ số vụ, việc Tòa án thụ lý, giải quyết; nắm chắc số lượng bản án, quyết định do Tòa án gửi đến, phân công công chức nghiên cứu, kiểm sát theo quy định của pháp luật, nhằm phát hiện vi phạm của bản án, quyết định, kịp thời thực hiện quyền kháng nghị. Kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến bỏ lọt vi phạm hoặc nhận thức, áp dụng pháp luật thiếu chính xác dẫn đến quyết định kháng nghị không đủ căn cứ hoặc không cần thiết.
3. VKSND các cấp cần rút kinh nghiệm về những thiếu sót, hạn chế đối với từng trường hợp mà Viện kiểm sát rút kháng nghị hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận; rút kinh nghiệm trong việc không phát hiện được vi phạm pháp luật khi kiểm sát bản án, quyết định.
4. Về công tác kháng nghị phúc thẩm
- VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp cao tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa án bị cấp trên hủy sửa mà không có kháng nghị của Viện kiểm sát. Nâng cao số lượng và chất lượng kháng nghị phúc thẩm; nhất là kháng nghị ngang cấp.
- VKSND cấp trên trực tiếp có nhiệm vụ bảo vệ kháng nghị của VKSND cấp dưới, khi phát hiện kháng nghị không có căn cứ hoặc trường hợp cần thu thập tài liệu, chứng cứ mới thì trực tiếp trao đổi với VKSND cấp dưới đã ban hành kháng nghị về hướng giải quyết.
5. Về công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
- VKSND các cấp kiểm sát bản án, quyết định dân sự, hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì thông báo đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật.
- Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9); Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10); Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) VKSND tối cao phối hợp với các đơn vị liên quan và các VKSND cấp cao cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phấn đấu tỷ lệ giải quyết đơn đạt và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và quy định của Ngành.
- Tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết kịp thời, đúng tiến độ, quản lý chặt chẽ đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Ngành. Đối với những đơn do cơ quan Đảng, Nhà nước kiến nghị, yêu cầu VKSND tối cao xem xét; đơn sắp hết thời hạn kháng nghị; đơn bức xúc, kéo dài thì phải khẩn trương nghiên cứu, báo cáo, đề xuất ngay với lãnh đạo đơn vị để chỉ đạo tập trung xem xét, giải quyết kịp thời.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ thuộc TAND tối cao và các TAND cấp cao để nắm tình hình tiếp nhận và kết quả giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm việc giải quyết đơn đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính và văn bản hướng dẫn của liên ngành TAND tối cao, VKSND tối cao.
- Phối hợp chặt chẽ với các VKSND cấp dưới để nắm chắc kết quả giải quyết vụ án, vụ việc ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm; qua đó phát hiện chính xác có hay không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
6. Vụ 9 và Vụ 10 thuộc VKSND tối cao chịu trách nhiệm phối hợp với VKSND cấp dưới tổng hợp, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong toàn Ngành về công tác kháng nghị vụ án hành chính, vụ việc dân sự; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, giải đáp kịp thời những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án, vụ việc cụ thể và trong hoạt động nghiệp vụ.
7. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao hướng dẫn, giải đáp kịp thời những vướng mắc về nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật.
8. Hằng năm, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc VKSND tối cao mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định nhằm phát hiện vi phạm và kỹ năng thực hiện thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm cho đội ngũ công chức được phân công nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự trong toàn Ngành.
9. Các cơ quan báo chí của Ngành đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định hành chính, dân sự. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí của Ngành theo quy định của pháp luật và của Ngành.
TG (Giới thiệu)