(VC3) - Nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày thành lập ngành KSND (26/7/1960 – 26/7/2018), ngày 15/7/2018 Văn phòng Viện KSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) tổ chức cho công chức, người lao động Văn phòng thăm khu Di tích Trường Dục Thanh - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng sống và dạy học và một số địa danh lịch sử tại tỉnh Bình Thuận. Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo Viện cấp cao 3 và lãnh đạo các Viện nghiệp vụ.
Bảng mô tả tóm tắt về Ngôi trường
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trên phần đất gia đình cụ Nguyễn Thông, nay là số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Từ khi thành lập được gọi là Dục Thanh Học Hiệu là tên viết tắt của “Giáo dục Thanh thiếu niên”. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ. Theo tư liệu lịch sử những tháng ngày dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành tại Trường Dục Thanh tuy không dài nhưng đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng Bác về nhà trường, về nghề dạy học.
Trong phòng học còn có 2 chiếc bảng đen phía 2 bên lớp học và bộ bàn ghế của giáo viên, nơi Bác ngồi giảng bài. Khi đó có khoảng 60 học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất, với 7 thầy giáo giảng dạy. Nguyễn Tất Thành là thầy giáo giỏi và trẻ nhất, chủ yếu dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn.

Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy học
Cùng với dạy học, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước qua từng buổi học. Nếu từng đặt chân vào lớp học đã hơn 100 năm tuổi - nơi mà Bác Hồ giảng dạy khi xưa thì bất kỳ ai cũng dâng tràn xúc động, bồi hồi nhớ về Bác. Khu Di tích Trường Dục Thanh được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Ngôi trường nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy học
Chuyến thăm Trường Dục Thanh là dịp để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức tại đơn vị trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, tại Trường Dục Thanh có tổ chức triển lãm với chủ đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với gần 200 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển lãm góp phần giới thiệu một trong những di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong bộ sưu tập hình ảnh và tư liệu, có những bút tích của Bác viết và sửa chữa bằng mực đỏ, lần đầu do Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng công bố, dù nội dung chúng ta đã biết trước đây. 

Một số tài liệu được trưng bày tại triển lãm
Nhân dịp này, đoàn cũng đã gặp gỡ, giao lưu với Viện KSND tỉnh Bình Thuận và đi thăm một số địa danh lịch sử tại tỉnh Bình Thuận. Đây là một hoạt động thiết thực của Văn phòng Viện cấp cao 3 góp phần quan trọng vào việc cổ vũ, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành việc làm thường xuyên của đơn vị trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật vẫn còn nguyên những giá trị mang tính thời sự và thời đại, đặc biệt trong giai đoạn Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành đổi mới, trong đó có cải cách tư pháp mà Ngành KSND đang thực hiện.
Đây là một trong những hoạt động thường niên nhằm chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của công chức, người lao động trong Văn phòng Viện cấp cao 3. Chuyến đi tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã mang lại niềm vui, những trải nghiệm và ấn tượng tốt đẹp đối với tập thể cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Viện cấp cao 3.
Một số hình ảnh chuyến thăm:


Lãnh đạo Viện cấp cao và các đồng chí trong Văn phòng Viện cấp cao 3
chụp ảnh lưu niệm tại Trường Dục Thanh

Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Thuận chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn
Đức Tín
Văn phòng Viện cấp cao 3