Viện cấp cao 3 kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án hành chính liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước ta, nhiều Dự án đã được triển khai và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công tác thu hồi và bồi thường để thực hiện các Dự án còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc khiếu kiện, trong đó có vụ án liên quan đến “Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020” đã bị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) kháng nghị giám đốc thẩm.

Thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 đoạn qua địa bàn huyện HT, tỉnh BT, UBND huyện HT, tỉnh BT đã ban hành các Quyết định thu hồi, bồi thường và bồi thường hỗ trợ bổ sung đối với hộ gia đình bà Bùi Thị Đ theo các Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 04/10/2019 (viết tắt là Quyết định số 1325), Quyết định số 2846/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 (viết tắt là Quyết định số 2846) và Quyết định số 1937/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 (Viết tắt là Quyết định số 1937).

Không đồng ý với các quyết định thu hồi, bồi thường nêu trên, bà Đ đã khiếu nại. Ngày 03/11/2021, Chủ tịch UBND huyện HT ban hành Quyết định số 3253/QĐ-UBND (Viết tắt là Quyết định số 3253) về việc giải quyết khiếu nại của bà Đ với nội dung: Chấp nhận nội dung khiếu nại về bồi thường diện tích đất thu hồi 1.173,3m² tăng thêm; chấp nhận nội dung khiếu nại về bồi thường tài sản, bồi thường bổ sung 391 cây keo lá tràm tính theo mật độ cây trồng; số lượng cây keo lai vượt mật độ 1.054 cây không có cơ sở giải quyết; khiếu nại về vị trí đất, về giá đất không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Bà Đ. cho rằng việc UBND huyện HT tính toán, bồi thường thiệt hại do thu hồi đất của bà là chưa phù hợp với quy định pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất nên bà Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy các Quyết định số 2846, Quyết định số 1937 và Quyết định số 3253;

- Buộc UBND huyện HT phải bồi thường thiệt hại về đất và tài sản trên đất do đất bị thu hồi cho gia đình bà Đ.

1

Công trường nơi thực hiện Dự án (Ảnh do người bị kiện cung cấp)

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 40/2022/HC-ST ngày 30/8/2022 của TAND tỉnh BT tuyên xử: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị Đ về việc yêu cầu hủy Quyết định số 2846, Quyết định số 1937 về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ bà Đ; hủy Quyết định số 3253 về việc giải quyết khiếu nại của bà Đ và buộc UBND huyện HT phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy định pháp luật”.

Căn cứ văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của UBND huyện HT, Viện cấp cao 3 đã xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và Viện trưởng Viện cấp cao 3 đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 207/QĐ-VKS-HC ngày 29/8/2023 đối với Bản án sơ thẩm nêu trên, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy Bản án sơ thẩm nêu trên, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh BT để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2024/HC-GĐT ngày 31/01/2024 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Chấp nhận Quyết định kháng nghị 207/QĐ-VKS-HC ngày 29/8/2023 của Viện trưởng Viện cấp cao 3. Hủy Bản án sơ thẩm số 40/2022/HC-ST ngày 30/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh BT. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh BT xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm với các nhận định như sau:

  1. Về việc bồi thường tài sản trên đất:

Bà Đ bị thu hồi 56.276,9m2,  tại thời điểm thu hồi, trên đất của bà Đ có các tài sản là các công trình trên đất và các cây trồng trên đất.

Căn cứ Bảng tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày 26/12/2019 của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện HT; Công văn số 2935/LS-NNPTNT-TC ngày 23/9/2019 của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Sở Tài chính tỉnh BT; điểm b, c, khoản 4 Điều 2 Quy định về nguyên tắc và đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh BT và Mục II.1 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 05/5/2015 (được sửa đổi bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 21/02/2019) của UBND tỉnh BT thì việc UBND huyện HT bồi thường tài sản trên đất cho bà Đ tính theo giá trị cây trồng cao nhất trở xuống và theo mật độ, trong đó có cây keo lai là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Do đó, tại mục 6.1 phần nhận định của Bản án sơ thẩm chỉ căn cứ điểm b khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai mà không căn cứ các quy định nêu trên của địa phương để cho rằng UBND huyện HT phải bồi thường toàn bộ cây keo lai trên đất cho hộ bà Đ là không đảm bảo đầy đủ căn cứ, dẫn đến tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ là không đúng quy định của pháp luật.

  1. Việc bồi thường về đất:

Thứ nhất, về ranh giới, vị trí đất: Tại thời điểm thu hồi, bồi thường thì hồ sơ địa chính phần đất bị thu hồi của hộ bà Đ đã có biến động, cụ thể:

- Trên hồ sơ địa chính mới (hồ sơ đo đạc theo đề án 920 và hồ sơ đo đạc thu hồi đất) được xác định là 01 thửa đất (thửa số 25, tờ bản đồ dự án số 07).

- Trên Bản đồ 299 (đo đạc theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước) và trên các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là Giấy CNQSDĐ) UBND huyện HT đã cấp cho bà Đ, thì phần đất này thuộc 09 thửa đất riêng biệt. Trong các thửa đất này, có 05 thửa đất (78, 79, 80, 81, 82) hộ bà Đ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người khác (không cùng nguồn gốc sử dụng đất, không cùng thửa).

Trong quá trình sử dụng đất, hộ bà Đ chưa liên hệ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để lập thủ tục cấp đổi Giấy CNQSDĐ theo bản đồ địa chính mới.

Căn cứ điểm b Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, việc UBND huyện HT xác định ranh giới, vị trí đất đối với phần đất hộ bà Đ bị thu hồi theo từng thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, về giá đất để tính bồi thường:

- Đối với phần đất 12.457m2 đất nông nghiệp thuộc các thửa đất số 78, 79, 80: Xét thấy, việc UBND huyện HT xác định phần đất này là đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư và căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 (được điều chỉnh tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 10/3/201) của Ủy ban nhân dân tỉnh BT thì diện tích 12.457m2 được xác định bằng giá đất trồng cây lâu năm vị trí 1 cùng vùng với giá là 18.000 đồng/m2. UBND huyện HT bồi thường cho bà Đ với đơn giá 18.000 đồng/m2 là đã áp dụng đúng nguyên tắc có lợi nhất đối với hộ bà Đ.

- Đối với các thửa đất số 81, 82, 34: Đây là các thửa đất nông nghiệp nằm giáp ranh với thửa đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư nên theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh BT thì giá đất của thửa đất giáp ranh bằng trung bình cộng của giá đất trồng cây lâu năm vị trí 1 cùng vùng với giá đất của thửa đất đó. Theo đó, giá đất của các thửa đất số 81, 82, 34 bằng giá đất trồng cây lâu năm vị trí 1 (18.000 đồng/m2) cộng với giá đất trồng cây lâu năm vị trí 4 (9.500 đồng/m2) chia 2 bằng 13.750 đồng/m2. UBND huyện HT bồi thường cho bà Đ với đơn giá 13.750 đồng/m2 là đã áp dụng đúng nguyên tắc có lợi nhất đối với hộ bà Đ.

- Đối với thửa đất số 18 là thửa đất trồng cây lâu năm thuộc vị trí 4 do đáp ứng 01 điều kiện của vị trí 1 (có khoảng cách tính theo đường vận chuyển tới khu dân cư hoặc điểm dân cư tập trung không quá 500m) nên theo quy định tại Phụ lục số 8 Bảng giá đất huyện HT kèm theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh BT thì đơn giá đối với đất trồng cây lâu năm vị trí 4 tại địa bàn xã Tân Phúc, huyện HT là 9.500 đồng/m2. UBND huyện HT đã bồi thường cho bà Đ theo đơn giá này là đúng quy định pháp luật.

- Đối với thửa đất số 19, tờ bản đồ số 04 với diện tích 24.727m2 là thửa đất trồng cây lâu năm, trong đó: Diện tích 6.129,8m2 thuộc vị trí 3 do đáp ứng 02 điều kiện (nằm tiếp giáp các trục đường giao thông rộng từ 04m trở lên và có khoảng cách tính theo đường vận chuyển tới khu dân cư hoặc điểm dân cư tập trung không quá 500m) nên theo quy định tại Phụ lục số 8 Bảng giá đất huyện HT kèm theo Quyết định 59 thì đơn giá đối với đất trồng cây lâu năm vị trí 3 tại địa bàn xã Tân Phúc là 11.000 đồng/m2; diện tích còn lại 18.597,2m2 thuộc vị trí 4 nên theo quy định tại Phụ lục số 8 Bảng giá đất huyện HT kèm theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh BT thì đơn giá đối với đất trồng cây lâu năm vị trí 3 tại địa bàn xã Tân Phúc, huyện HT là 9.500 đồng/m2. UBND huyện HT đã bồi thường cho bà Đ đúng đơn giá này là đúng quy định pháp luật.

Như vậy, việc UBND huyện HT xác định ranh giới, vị trí và giá đất để bồi thường về đất cho hộ bà Đ như trên là đã áp dụng đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật để thực hiện bồi thường, hỗ trợ đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho hộ bà Đ theo quy định của pháp luật.

Do đó, tại mục 6.2 phần nhận định của Bản án sơ thẩm cho rằng bà Đ bị thu hồi trên cùng thửa đất số 25 nên phải bồi thường cùng 01 vị trí là có sự nhầm lẫn và không có căn cứ.

  1. Về xác định điều kiện độ phì của đất:

Ngày 05/02/2010, UBND tỉnh BT đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả phân loại độ phì đất nông nghiệp huyện HT, kèm theo Quyết định là phụ lục Bảng kết quả phân loại độ phì và Bản đồ phân loại độ phì. Căn cứ Bản đồ kết quả rà soát độ phì ngày 05/02/2010 của UBND tỉnh BT đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện HT thực hiện việc chồng ghép do UBND huyện HT cung cấp thì trong tổng số diện tích đất bà Đ bị thu hồi chỉ có 6.129,8m2 đất có độ phì từ mức trung bình trở lên (loại 2). UBND huyện HT không phải là cơ quan có chức năng được giao nhiệm vụ đo độ phì của đất, do đó tại trang 8 của Bản án sơ thẩm cho rằng “UBND huyện HT không sử dụng phương tiện kĩ thuật để đo độ phì và căn cứ vào các tiêu chí cụ thể để xác định độ phì của diện tích đất nông nghiệp thu hồi của hộ bà Đ mà chỉ dựa vào danh mục khu vực các vùng có độ phì được UBND tỉnh BT phê duyệt theo Quyết định số 366/QĐ-UBND ngày 05/02/2010 là không phù hợp với thực tế hiện trạng đất của hộ bà Đ”  và “tại thời điểm UBND huyện HT ban hành Quyết định bồi thường, thửa đất số 25, tờ bản đồ số 07 của hộ bà Đ tại xã Tân Phúc, huyện HT, tỉnh BT chưa có kết quả phân loại độ phì” là không có cơ sở.

  1. Về tiêu chí chủ động nước tưới tiêu:

Căn cứ Quyết định số 1104/QĐ-UBND ngày 06/5/2019 của UBND tỉnh BT về phê duyệt danh mục các vùng có mức tưới tiêu chủ động từ 70% trở lên vào thời điểm năm 2019 thì toàn bộ đất trên địa bàn xã Tân Phúc (trong đó có phần đất thu hồi của bà Đ) không thuộc vùng có mức tưới tiêu chủ động từ 70% trở lên. Về hiện trạng, trên đất của hộ bà Đ có 01 cái ao với khối lượng đào đất là 4.484m3, nhưng thực tế chưa xác định được cái ao này chứa được bao nhiêu nước, nước dao động theo mùa, theo năm như thế nào và cũng không có quy định nào xác định có ao là chủ động tưới tiêu. Vì vậy, việc Bản án sơ thẩm (trang 8) cho rằng cái ao này là tiêu chí để xác định diện tích đất nông nghiệp của bà Đ bị thu hồi đã thỏa mãn điều kiện “chủ động nước tưới tiêu từ 70% trở lên” là không có căn cứ theo quy định pháp luật.

  1. Về diện tích đất thu hồi của bà Đ:

Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 3253/QĐ-UBND ngày 03/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện HT đã chấp nhận yêu cầu bồi thường diện tích đất tăng thêm 1.173,3m2 và cây trồng trên đất cho hộ bà Đ. Do bà Đ khởi kiện vụ án hành chính đối với các Quyết định thu hồi, bồi thường và giải quyết khiếu nại nên UBND huyện HT chưa thực hiện được Quyết định giải quyết khiếu nại số 3253/QĐ-UBND ngày 03/11/2021 của Chủ tịch UBND huyện HT.

Từ các căn cứ nêu trên, Quyết định giám đốc thẩm số 01/2024/HC-GĐT ngày 31/01/2024 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Chấp nhận Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện cấp cao 3. Hủy Bản án sơ thẩm số 40/2022/HC-ST ngày 30/8/2022 của TAND tỉnh BT. Giao hồ sơ cho TAND tỉnh BT xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

2

Lãnh đạo Viện cấp cao 3 dự họp nghe Viện trưởng Viện 3 và cán bộ công chức Viện 3 báo cáo và rút kinh nghiệm sau xét xử (Ảnh: Hoàng Ân)

Kết quả công tác thụ lý giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm nêu trên không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cho việc giải quyết đúng quy định pháp luật đối với nội dung một vụ án hành chính cụ thể; mà đây còn là một căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ trong Dự án nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc thẩm quyền tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững.

Chử Thị Định – Viện cấp cao 3