Viện cấp cao 3: Kháng nghị tăng hình phạt đối với hai giám đốc dùng tàu chở quá tải làm 9 người chết

Ngày 25/12, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) ban hành Quyết định kháng nghị số 05/QĐ-VC3-V1, kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 486/2018/HS-ST ngày 26/11/2018 của TAND TP.HCM. Theo đó, phần về hình phạt đã tuyên đối với bị cáo Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết, VKSND Cấp cao 3 đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt và không cho các bị cáo được hưởng án treo.

Tại Quyết định kháng nghị, VKSND cấp cao tại TP.HCM nhận thấy, vào cuối tháng 7/2013, ông Nguyễn Thành Hưng – Trưởng phòng sản xuất Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (Công ty PV PIPE, địa chỉ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), hợp đồng với Đinh Văn Quyết là Giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Maria để tổ chức cho 66 cán bộ, nhân viên của công ty đi liên hoan vui chơi tại khu du lịch Đảo Xanh – Vũng Tàu.
 Bị cáo Vũ Văn Đảo (áo xanh) và Đinh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm trước đó.
Sau đó, Đinh Văn Quyết đã báo cáo cho Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc, CT HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Vũng Tàu Maria về hợp đồng, kế hoạch, thời gian đưa đón người của Công ty PV PIPE từ Tiền Giang sang Vũng Tàu. Vũ Văn Đảo chỉ đạo sử dụng các tàu H790 HQ (do Công ty Việt Séc vừa đóng xong) và chỉ đạo Tạ Thanh Sơn nhân viên hỏi mượn tàu H29 (BP 12-04-02) và H790 (BP 02-04-01) của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đang giao cho Công ty Việt Séc quản lý bảo dưỡng để sử dụng tổ chức đưa, đón người của Công ty PV PIPE.
Mặc dù, Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết biết rõ tàu H29 là phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa, chỉ đảm bảo an toàn cho 12 người, không có tác dụng vận tải hành khách trên biển, khi giao cho Phạm Duy Phúc lái chở 28 người trên đường biển từ Tiền Giang về Vũng Tàu. Khi đến biển Cần Giờ gặp sóng biển, tàu H29 chở quá tải 2,5 lần đã xảy ra tai nạn bị lật, làm 09 người chết thuộc trường hợp gây hậu quả đặc việt nghiêm trọng, gây mất trật tự trị an xã hội.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 486/2018/HS-ST của TAND TP.HCM, áp dụng khoản 3 Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009); các điểm b, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Khoản 1 Điều 54; Khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều 65 và khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Vũ Văn Đảo, bị cáo Đinh Văn Quyết mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn”.
 Hiện trường vụ tai nạn chìm ca nô làm chết 9 người tại Cần Giờ năm 2013
Theo VKSND cấp cao tại TP.HCM, bị cáo Đảo và Quyết đã có hành vi điều động tàu H29 là phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa, không có tác dụng vận tải hành khách, không đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách theo tuyến đường thuỷ, không đúng với công dụng và vùng hoạt động của phương tiện ghi trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
“Bị cáo Đinh Văn Quyết chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, án sơ thẩm xử phạt Đinh Văn Quyết mức án dưới khung hình phạt là vi phạm quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015. Đối với bị cáo Vũ Văn Đảo khi phạm tội là CT HĐQT là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Vũng Tàu Maria, vừa là Giám đốc Công ty Việt Séc bị cáo chịu trách nhiệm chính trong vụ án, đúng lý là phải xử mức hình phạt cao hơn so với Đinh Văn Quyết, nhưng án sơ thẩm lại xử mức hình phạt bằng với Quyết là chưa thể hiện sự phân hoá và cá thể hoá trong áp dụng pháp luật”, kháng nghị phúc thẩm nêu rõ.
Cũng theo VKSND cấp cao tại TP.HCM, lẽ ra phải xử các bị cáo ở mức cao của khung hình phạt (7 năm đến 15 năm tù) mới phù hợp nhưng án sơ thẩm lại xử phạt các bị cáo mức án dưới khung và chỉ bằng ½ mức thấp nhất của khung hình phạt mà các bị cáo phạm vào, đồng thời lại còn áp dụng Điều 65 BLHS năm 2015 để cho các bị cáo được hưởng án treo là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật, vi phạm cả Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Đối chiếu vụ án này cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử và tại phiên toà các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội mà còn cho rằng bị oan. Do vậy, không thể có khả năng tự cải tạo như khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mặt khác, hậu quả của vụ án gây ra là đặc biệt nghiêm trọng làm chết 09 người và những thiệt hại khác về tài sản, gây đau thương mất mát rất lớn cho nhiều gia đình, làm cho luật pháp không nghiêm, không có tác dụng răn đe phòng ngừa nhất là hiện nay tội phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy diễn biến phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và yêu cầu xử lý nghiêm.
Bởi các lẽ trên, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã Quyết định kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 486/2018/HS-ST ngày 26/11/2018 của TAND TP. Hồ Chí Minh phần về hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết. Đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt và không cho các bị cáo hưởng án treo.
Trân Định – Nam Phong – Nguyễn Lánh
Theo baovephapluat.vn