Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM phối hợp cùng Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

Thực hiện Kế hoạch số 03/KH-VC3-VP ngày 10/01/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) về công tác kiểm sát năm 2019,
Ngày 30/7/2019, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức 03 phiên tòa rút kinh nghiệm, cụ thể:
1.Vụ án xét xử phúc thẩm hình sự vụ án  bị cáo Trương Quốc Đại và đồng phạm về tội “Cướp tài sản” do ông Võ Chí Thiện – Kiểm sát viên cao cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính – Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên tòa.
Từ ngày 28/12/2010 đến ngày 25/6/2011, Trương Quốc Đại cùng các đồng phạm gồm Nguyễn Ngọc Sáng, Nguyễn Tấn Lực, Nguyễn Thanh Bình đã câu kết với nhau thực hiện 31 vụ cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bằng phương thức lợi dụng điều kiện vắng người để dùng vũ lực và công cụ roi điện tấn công các bị hại đang điều khiển xe mô-tô 02 bánh, qua đó chiếm đoạt tổng giá trị tài sản là 474.700.000 đồng. Tại Bản án sơ thẩm số 87/2018/HS-ST ngày 27/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Trương Quốc Đại mức án 14 năm tù về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo Trương Quốc Đại có đơn kháng cáo xin giảm mức án sơ thẩm đã tuyên.
Tại phiên tòa rút kinh nghiệm, Kiểm sát viên đã thực hiện đầy đủ chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Thông qua kết quả thẩm vấn, tranh tụng với người bào chữa và bị cáo, Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm bảo vệ tội danh mà cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo nhưng đề nghị Hội đồng xét xử quyết định giảm 06 tháng tù so với mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên vì các lý do mới phát sinh như bị cáo có ông ngoại là Liệt sĩ, cha ruột mới chết, con ruột còn nhỏ và các bị cáo trong vụ án đã thực hiện bồi thường thiệt hại về tài sản cho các bị hại. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã quyết định chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo và người bào chữa, áp dụng điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 để quyết định giảm cho bị cáo Trương Quốc Đại 02 năm tù so với mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên.
Hình ảnh tại phiên tòa
2. Vụ án xét xử hình sự phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Văn Thơ phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” do ông Võ Chí Thiện – Kiểm sát viên cao cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính – Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên tòa.
Trong thời gian từ khoảng cuối tháng 01 năm 2018 đến ngày 24/3/2018, tại nhà của bà M.T.H ở phường A, TX.D, tỉnh B, bị cáo Phạm Văn Thơ (sinh năm 1958) đã 03 lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu P.N.B.M (sinh ngày 08/3/2011). Tại Bản án số 08/2019/HSST ngày 26/02/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã áp dụng điểm c khoản 3 Điều 142 của Bộ luật Hình sự năm 2015 tuyên phạt bị cáo mức án 20 năm tù về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Bị cáo Thơ có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài việc thực hiện đúng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên còn chủ động thực hiện thẩm vấn làm rõ thêm các chứng cứ buộc tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng như lý do kháng cáo của bị cáo và người bào chữa nêu ra. Kết thúc phần thẩm vấn, Kiểm sát viên đã thực hiện tranh tụng, đối đáp đầy đủ với tất cả các quan điểm tự bào chữa của bị cáo và quan điểm bào chữa của người bào chữa cho bị cáo để bảo vệ tội danh và mức án mà cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã chấp nhận các quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên, bác toàn bộ nội dung kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên tội danh và mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên trong bản án sơ thẩm.
3. Vụ án xét xử phúc thẩm dân sự “Tranh chấp chia tài sản chung” do ông Vũ Thanh Sơn – Kiểm sát viên cao cấp kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên tòa
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 24­­­­/2017/DS-ST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông N.V.L (sinh năm 1930, thường trú tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) về việc chia tài sản chung đối với bị đơn là bà N.T.L.H (sinh năm 1972; thường trú tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An tỉnh Bình Dương) và 07 đồng bị đơn khác; Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế tài sản đối với diện tích đất 321,5m2 thuộc thửa số 13, tờ bản đồ số 28, tọa lạc tại khu phố Chợ, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tình Bình Dương và 05 căn nhà trên đất. Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, có 06 bị đơn nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ hoạt động tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời cũng đã chủ động tham gia hỏi các bên đương sự; đặt câu hỏi rõ ràng, có trọng tâm, làm rõ được một số vấn đề của vụ án, bảo đảm việc xét xử tại phiên tòa được tiến hành công minh, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Thông qua phần hỏi, Kiểm sát viên cũng đã thực hiện việc giải thích rõ các qui định pháp luật có liên quan đến nội dung vụ án để các đương sự hiểu rõ về hậu quả pháp lý của các yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo. Kết thúc phần xét hỏi và tranh luận, nguyên đơn đã quyết định rút đơn khởi kiện và các đồng bị đơn cũng thống nhất rút đơn kháng cáo nên Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, đề nghị hủy Bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án và đã được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Sau khi kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tiến hành họp, rút kinh nghiệm chung theo đúng hướng dẫn của ngành. Các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức của đơn vị đã đưa ra thống nhất đánhg giá cao về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của 02 Kiểm sát viên cao cấp tại phiên tòa. Cụ thể là Kiểm sát viên đã thực hiện tốt các kỹ năng xét hỏi, xử lý các tình huống mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm để có thể tranh luận, đối đáp và phát biểu quan điểm giải quyết vụ án đúng pháp luật, bảo vệ quan điểm truy tố và xem xét đánh giá đầy đủ các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ theo đúng quy định pháp luật. Các nội dung phát biểu quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đều đảm bảo đúng quy định pháp luật, có tình có lý, được Hội đồng xét xử chấp thuận và có ý nghĩa tuyên truyền pháp luật, thuyết phục được các đương sự và những người dự khán các phiên tòa.
Tuy nhiên, tập thể Kiểm sát viên công chức tham gia cuộc họp cũng thẳng thắn đưa ra nhận xét một số hạn chế cần rút kinh nghiệm trong các phiên tòa như việc thành viên Hội đồng xét xử yêu cầu Kiểm sát viên hạn chế nội dung hỏi theo hướng giải thích pháp luật cho đương sự là chưa đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và yêu cầu của Lãnh đạo ngành Tòa án về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm[1]. Cuộc họp đi đến thống nhất sẽ có báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện cấp cao 3 có văn bản kiến nghị đến Tòa án để hạn chế tình trạng này trong các phiên tòa trong thời gian tới.
Công tác phối hợp chặt chẽ giữa 02 đơn vị đã không chỉ nhằm thực hiện chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành Kiểm sát mà còn góp phần cùng Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án trong giai đoạn xét xử phúc thẩm các vụ án do cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giải quyết sơ thẩm. Kết quả thành công của 03 phiên tòa rút kinh nghiệm này đã góp phần nâng số lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm lên 27 phiên tòa tính từ đầu năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, riêng Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (Viện 3) đã thực hiện 06 phiên tòa gồm cả các vụ án hành chính lẫn các vụ án hình sự, dân sự… Việc chủ động lựa chọn đa dạng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau không chỉ nhằm thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành mà còn có góp phần nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cho các Kiểm sát viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa. Đồng thời, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm cũng còn là phương thức tự đào tạo có ý nghĩa tạo điều kiện cho nhiều Kiểm sát viên, công chức khác trong đơn vị tiếp cận thực tế, nâng cao kỹ năng tham gia phiên tòa, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm – đặc biệt là các Kiểm sát viên, công chức trẻ chưa có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ trong thực tế và kinh nghiệm xử lý các tình huống phức tạp tại phiên tòa theo yêu cầu xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên công chức ngành Kiểm sát "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm".
Nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nêu trên, tập thể Kiểm sát viên, công chức Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục lựa chọn, tổ chức thêm các phiên tòa rút kinh nghiệm khác để không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Chử Thị Định – Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính