VKSND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị chuyên đề về ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai; thực trạng công tác xét, đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Sáng ngày 13/12/2019, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị chuyên đề “Một số vấn đề về ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai; thực trạng công tác xét, đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại thành phố Cần Thơ”
Đ/c Phan Văn Tâm - Vụ trưởng Vụ 10 Viện KSND tối cao đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị chuyên đề của VKSND thành phố Cần Thơ
Tham dự hội nghị có đồng chí Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, đồng chí Phan Văn Tâm - Vụ trưởng Vụ 10 Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Đinh Trung Trực - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Ban lãnh đạo VKSND thành phố; Đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tòa án, Công an, Thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố; lãnh đạo UBND và các phòng chuyên môn thuộc UBND, Tòa án và Công an của 05 quận gần trung tâm thành phố; Trưởng Công an các phường; lãnh đạo và công chức phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ.
Hội nghị được tổ chức nhằm tìm ra các giải pháp giúp hạn chế thiếu sót trong quá trình ban hành quyết định hành chính về đất đai, bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật ở địa phương phù hợp với pháp luật hiện hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tố chức, cá nhân, tránh những thiệt hại xảy ra từ việc Tòa án tuyên hủy các quyết định hành chính. Nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, lập hồ sơ, thẩm định và đề nghị Tòa án ra quyết định đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian qua trên địa bàn thành phố.
Đ/c Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố chia sẽ những vướng mắc của thành phố trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2015 - 2019 trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 265 vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực hành chính được Tòa án hai cấp thụ lý. Trong đó có 251 vụ liên quan đến việc khởi kiện quyết định hành chính của Chủ tịch và UBND trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, chiếm tỉ lệ 94,07% (tập trung chủ yếu tại các quận, huyện: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thới Lai). Kết quả xét xử sơ thẩm có 19 vụ hủy quyết định hành chính (chiếm 7,6%) và 03 vụ hủy 01 phần quyết định hành chính.
Hội nghị cũng đánh giá việc ban hành các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai thời gian qua tại một số nơi vẫn còn trường hợp vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền… dẫn đến chưa tạo sự đồng thuận của người dân. Quá trình giải quyết chưa vận dụng pháp luật một cách thống nhất dẫn đến có vụ việc khiếu nại kéo dài, gây bất ổn về tình hình chính trị và ảnh hưởng đến trật tự xã hội tại địa phương. Qua thực tế nhận thấy các quyết định bị Tòa án tuyên hủy chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Những vi phạm, thiếu sót dẫn đến Tòa án tuyên hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai phần lớn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Trong đó, năng lực và trình độ chuyên môn của người làm công tác tham mưu còn hạn chế, nhận thức máy móc hoặc nhận thức không đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai. Một số lãnh đạo UBND chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai nên dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm và sử dụng đất công nhưng chính quyền địa phương không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về đất đai cũng còn nhiều bất cập do được điều chỉnh bởi nhiều ngành luật và nhiều văn bản áp dụng pháp luật khác nhau, các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, phức tạp gây khó khăn cho người áp dụng.    
Toàn cnh hi ngh
Để nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, tham luận tại hội nghị cũng đưa ra nhiều giải pháp trong đó kiến nghị: Luật Đất đai năm 2013 cần bổ sung quy định về cưỡng chế thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai để tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai; chỉnh sửa khoản 5 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 56 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP để thống nhất với khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai; hướng dẫn cụ thể thời điểm lấn, chiếm đất xảy ra trong thời gian bao lâu thì được lập biên bản vi phạm hành chính và bị xử phạt hành chính hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; đề cao trách nhiệm của tập thể Ủy ban nhân dân nhưng đồng thời nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong công tác ban hành quyết định hành chính.
Về thực trạng công tác xét, đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, báo cáo cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 3.178 người nghiện. Trong đó, người không có nghề nghiệp chiếm 85%. Công tác quản lý sau cai nghiện, cai nghiện tại cộng đồng chưa phát huy hiệu quả, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nghề, giới thiệu việc làm vẫn còn ít, tỷ lệ tái nghiện chiếm 90%.
Trong thời gian từ năm 2016 - 2019, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thành phố thụ lý kiểm sát 1.014 việc lập hồ sơ, đề nghị Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Qua đó đã giải quyết 1.009 việc. Trong quá trình lập hồ sơ, đề nghị Tòa án xem xét ra quyết định cũng còn không ít những thiếu sót, dẫn đến Tòa án tuyên không chấp nhận đề nghị hoặc Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định hủy bỏ quyết định của Tòa án cấp dưới, như: Biên bản vi phạm hành chính có sai sót về mặt thời gian; lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không đúng thẩm quyền; không giao Thông báo về việc lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người bị đề nghị;…
Đ/c Huỳnh Văn Ri - Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ
trình bày nội dung các chuyên đề tại Hội nghị
Một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế được xác định: Do văn bản hướng dẫn dưới luật không thống nhất, một số nội dung chưa xác với thực tiễn áp dụng. Công tác thẩm định hồ sơ trước khi đề nghị Tòa án quyết định trong một số vụ việc còn mang tính hình thức; một số địa phương chưa coi trọng công tác quản lý đối tượng nghiện, nhất là đối tượng không có nơi cư trú ổn định, hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng lại không xác minh rõ. Công tác phối hợp chưa chặt chẽ…
Xuất phát từ thực tiễn, các đại biểu kiến nghị: Hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện về quy trình lập hồ sơ tại cơ quan hành chính cần nhanh chóng, đúng trọng tâm, hạn chế dành quá nhiều thời gian cho phần thủ tục; quy định về chế độ trách nhiệm đối với việc lập, hoàn thiện thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc; … đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thời gian tới./.
Ngô Hải Sơn – VKSND thành phố Cần Thơ