Tên bài: “ Món quà đặc biệt từ Trường Sa”

   Trở về sau chuyến hải trình viếng thăm đồng bào và chiến sĩ Hải quân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) , một nơi xa xôi hiểm trở nhưng là một phần máu thịt của Tổ quốc. Đoàn cán bộ Kiểm sát thuộc đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) chúng tôi đã mang về một món quà không thể nào ý nghĩa hơn, đó là hai cây bàng vuông được chính các chiến sĩ Hải quân chăm bón và gửi tặng. Đặc biệt là bởi do nó gắn liền với chủ quyền biển đảo, điều mà biết bao chiến sĩ, đồng bào ta đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả bằng máu. Từng thước đất, vùng biển, vùng trời nơi đây đã được dựng nên bởi sự hi sinh của bao lớp cha ông thế hệ đi trước, ngày nay chúng ta phải cùng nhau bảo vệ lấy. Và đối với đơn vị chúng tôi thì hai cây bàng vuông này chính là hiện thân biển đảo và cũng là tiếng gọi của đồng bào, chiến sĩ miền biên viễn.

1

Còn nhớ về lần được một người anh và cũng là một nhà báo kì cựu trong ngành Kiểm sát nhân dân giới thiệu món bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông. Tôi chợt thắc mắc hỏi về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của việc dùng lá bàng vuông gói bánh thay vì lá dong như thường lệ. Anh bảo rằng, đi khắp đất nước Việt Nam có lẽ tôi sẽ không thể tìm ra nơi bán những chiếc bánh chưng được gói bằng thứ là cây đặc biệt này. Trong khi tôi gặng hỏi thì cũng thấy thấp thoáng trong mắt anh một nỗi vui buồn xen lẫn khó tả, lần đầu tiên tôi thấy anh như thế. Và rồi sau khi kìm lại sự xúc động, anh bảo với tôi rằng

   “ Bánh được gói bằng lá bàng vuông, một giống bàng chỉ có ở Trường Sa và một số ít nơi khác (có thể do du nhập hoặc xuất phát từ gốc chính là ở Trường Sa), ở thành phố hoa lệ chúng ta thì em sẽ không kiếm được đâu. Và cái bánh mà chúng ta ăn, lại đặc biệt hơn bởi chúng được gói bằng cả tâm tình của người lính và Nhân dân Trường Sa thân yêu”   

   Sau khi nghe anh nói thế, tôi thấy vị bánh sao mà ngon đến lạ, cảm giác “ nhẫn nhẫn khó nuốt” ban đầu mà sau đó tôi đoán là do vị đắng của lá bàng khi đun nấu trên bếp lửa, nó khác hẳn với vị nhè nhẹ dễ chịu của lá dong mà chúng ta hay ăn ở đất liền. Sau phút giây ấy, tôi lại yêu hơn cái vị đắng này, cái vị đắng như nói lên tất cả những đắng cay, gian khổ của quân, dân ta ở miền hải đảo xa xăm. Họ đã ngày đêm bám trụ để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, những niềm vui đôi khi đối với chúng ta là thường nhật, nhưng với những người quân dân, chiến sĩ nơi đây lại là điều xa xỉ…

2

      Hình ảnh các đồng chí cán bộ, kiểm sát viên chăm sóc, vun trồng “món quà đặc biệt” từ Trường Sa

“ Biển đảo có xa xăm đến đâu cũng không thể chia cắt nghĩa đồng bào”

   Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng dõng dạc tuyên bố trong một cuộc hội nghị trước các tướng lĩnh và chiến sĩ quân đội rằng:

   “ Tôi bảo đảm với các đồng chí ngồi ở đây rằng những đồng chí nào khi ở Trường Sa quay trở về chắc chắn sẽ biết yêu quê hương, yêu Tổ quốc mình hơn”

   Quả là một sự khẳng định không ngoa xuất phát từ lời của một vị đại tướng với thời gian gần như cả đời dành cho binh nghiệp. Thật vậy, vì chỉ khi được đặt chân đến với Trường Sa thì chúng ta mới phần nào thấu hiểu được những sự khó khăn, vất vả của đồng bào và chiến sĩ. Ở đây, từ thức ăn, thực phẩm như cá, heo, bò, gà cho đến thuốc men và đặc biệt là nước sạch, đều rất quý giá. Do chủ trương tăng gia sản xuất của quân đội đóng trên đảo, một mặt không tạo ra thêm áp lực, gánh nặng trong quá trình đảm bảo đời sống cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đơn vị, mặt còn lại đã giúp tăng thêm sản phẩm, lương thực nhằm giúp đỡ cho cuộc sống của bà con trên địa bàn.

    Tình quân, dân như cá với nước và dù là ở miền hải đảo với bao khó khăn, vất vả nhưng hi vọng và tình yêu đất nước vẫn sáng mãi trong mắt người chiến sĩ Hải quân.

   Những năm gần đây, đời sống của bà con, chiến sĩ Trường Sa đã phần nào được cải thiện nhưng bên cạnh đó vẫn còn cần thêm nữa sự quan tâm, chia sẻ của đồng bào và chính quyền ta trong đất liền. Đó cũng là một nghĩa cử cao đẹp, ý nghĩa chuyến đi vừa qua của Đoàn cán bộ Kiểm sát đơn vị tôi khi đặt chân đến Trường Sa. Đến đây, tôi lại trào dâng cảm xúc và muốn thét lên thật to rằng

  “ Biển đảo dù xa xăm đến đâu nhưng sẽ không thể chia cắt được nghĩa đồng bào”

4

Cây bàng vuông được đặt trước sảnh tiếp dân, ngay lối ra vào như để nhắc nhớ về tình đồng bào thiêng liêng của quân, dân miền biên viễn xa xăm...

   Từ ngày hôm đó, mỗi lần vào trụ sở, đi ngang qua bậc tâm cấp, hai cây bàng vuông nhỏ được đặt có phần trang trọng tại khu vực sảnh tiếp dân, tôi lại thấy sao quá đỗi tự hào. Lòng vui sướng vì ngày hôm nay thấy đất nước mình ngày càng giàu đẹp, phồn vinh và hạnh phúc nhưng mỗi khi nhớ về Trường Sa, tôi thấy bản thân mình còn rất nhiều điều cần cố gắng hơn nữa. Nhiệm vụ của chúng tôi, những cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân sẽ góp phần thành công cho công cuộc bảo vệ nền tư pháp nước nhà, bảo vệ công lý và lẽ phải. Nhưng dù là nhiệm vụ, trách nhiệm gì đi nữa, tôi cũng tự nhủ với lòng mình luôn tận tâm tận lực cống hiến sức mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Bởi đối với tôi thì vị mặn của mồ hôi dù là trên đất liền hay miền biển đảo đều sẽ mặn như nhau…

 Huỳnh Tấn Thành - Văn phòng