Tên bài: “ Tháng Năm nhớ Bác và niềm tự hào mười chữ vàng ngành Kiểm sát nhân dân”

  Cứ mỗi độ tháng Năm về, chúng tôi, những người đã và đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân lại bồi hồi nhớ lại hai sự kiện quan trọng. Trước là kỉ niệm Ngày sinh của Bác Hồ hàng năm, đến nay cũng đã hơn một thế kỉ - 134 năm ( 19/5/1890 – 19/5/2024 ). Sau là một kỉ niệm tuyệt đối không thể nào quên được đối với biết bao thế hệ cán bộ, kiểm sát viên, đó chính là giây phút Bác căn dặn và tin tưởng trao cho thế hệ tiền nhiệm của chúng tôi, mười chữ vàng “ công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Ngành Kiểm sát nhân dân trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, gánh mang trên mình một trọng trách vô cùng to lớn mà cũng rất đỗi tự hào, đấy chính là ra sức bảo vệ nền Tư pháp nước nhà, góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mười chữ vàng mà Bác dặn dò đã tỏ rõ sự quan tâm và sự kì vọng rất đặc biệt của Bác đối với ngành Kiểm sát nhân dân.

   Đồng thời, Bác cũng từng nói rằng: “ Đạo đức cách mạng không phải là từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà có. Cũng giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đã là cán bộ và cũng là công bộc, đầy tớ của Nhân dân thì phải luôn nắm vững được nguyên lý này, thực sự thấm nhuần nó vào trong lối sống, lối làm việc và trong từng hoạt động công vụ mỗi ngày. Đây là những lời răn cũng như chính là di sản mà Bác Hồ để lại cho thế hệ chúng ta sau bao nhiêu năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ vì hòa bình, độc lập dân tộc, sự ấm no hạnh phúc của Nhân dân và nhất là sự trường tồn của đất nước Việt Nam.

1

Ảnh tư liệu: sưu tầm Internet

Mười chữ vàng Bác căn dặn ngành Kiểm sát Nhân dân qua thực tiễn gần 70 năm

   Suốt chiều dài xây dựng và phát triển của ngành, chúng tôi, những người cán bộ, kiểm sát viên luôn nêu cao ý thức tôn trọng, ra sức đẩy mạnh học tập và đấu tranh thực hiện kì được những giá trị đạo đức được đúc kết qua lời răn dạy của Bác, đấy những điều tưởng chừng dễ dàng nhưng tuyệt nhiên không phải ai cũng làm được ...

“ Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” chính là nội dung mười chữ vàng mà Bác đã căn dặn ngành Kiểm sát nhân dân ngay từ thời kì đầu mới thành lập, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lúc bấy giờ là đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ngay từ lúc đất nước vẫn còn những bộn bề lo toan, trong cái thời kì mà vừa đấu tranh chống thù trong giặc ngoài vừa đảm bảo kiến thiết và xây dựng chủ nghĩa xã hội thì Bác đã nhìn thấy ngay những điều cần khắc phục trong nền tư pháp nước nhà. Bởi một xã hội còn đói nghèo, trộm cướp và còn dám xem thường pháp luật, kỉ cương phép nước thì không thể là một xã hội ổn định và hạnh phúc. Nhận thấy ngành Kiểm sát nhân dân có những chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là đấu tranh bảo vệ công lý, lẽ phải và đặc biệt là bảo vệ nền tư pháp nước nhà lúc bấy giờ nên Bác đã cùng các đồng chí lãnh đạo thời sơ khai của ngành Kiểm sát nhân dân họp bàn, từ đó đặt ra sự cải cách nghiêm ngặt, bắt đầu cải biến từ ên trong những tàn dư của chế độ cũ. Qua đó cũng chứng minh sức mạnh nội sinh từ “ triết lý mười chữ vàng” giản dị, chân tình nhưng cũng đầy tính khoa học của Bác.

2

Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh với các đồng chí Viện trưởng VKSND các tỉnh miền núi.  ( Nguồn: sưu tầm Internet)

Bác bảo rằng đối với một cán bộ Kiểm sát đầu tiên là phải hiểu được sự công minh, công minh từ trong cách làm việc và công minh cả chính với bản thân mình. Vì chỉ khi người cán bộ biết giá trị của sự công bằng thì mới cùng lúc đó ra sức đấu tranh cho sự nghiệp vì công lý, lẽ phải một cách toàn tâm, toàn ý. Là người cán bộ mà nhất là một cán bộ Kiểm sát thì phải luôn nhìn nhận và xem xét mọi việc một cách rõ ràng và sáng suốt. Tất cả mọi đánh giá đều phải dựa trên sự thật khách quan, không vì cái lợi ích, cám dỗ đời thường mà “bẻ cong sự thật”. Mở rộng ra thì nghĩa của từ công minh mà Bác đã chọn để dặn dò đối với ngành Kiểm sát nhân dân chính là thượng tôn pháp luật, tức “ không ai có quyền đứng trên pháp luật”. Là một người đang công tác trong ngành Kiểm sát với thời gian không nhiều cũng không ít nhưng  tôi luôn tâm niệm một điều rằng, một khi tôi còn chọn lựa bước trên con đường này thì tôi không bao giờ cho phép mình trong một phút giây nào mảy may quên đi công bằng là vô giá.

Trong cuộc đời, tôi đã từng không dưới ba lần mà nghe cùng một câu nói cay đắng từ một số người cho rằng “công bằng đôi khi là thứ gì đó trước mắt, nhưng không phải ai đưa tay ra thì cũng đều có thể nắm lấy được”. Rồi cũng chính từ sự cay đắng mà tôi cảm nhận được từ những người nói câu nói đó, những người mà có thể đâu đó cảm thấy sự bất công nhất thời mà thành ra quy kết rằng xã hội là vô pháp vô thiên, thì tôi lại thấy nhiều hơn nữa ở họ chính là cảm giác mong muốn được thụ hưởng sự công bằng đúng nghĩa một lần trong đời. Và không để khái niệm lệch lạc này ăn sâu thêm nữa vào nhận thức của người dân, chúng tôi – những người con của ngành Kiểm sát nhân dân đã luôn luôn không ngừng đấu tranh để bảo vệ công lý, sự thật, từ đó mang công bằng và lẽ phải về với giá trị chân như ban đầu của nó. Qua đó cũng chứng minh một điều rằng “ công bằng chính là sự thật và sự thật thì chỉ có một, đó cũng là thứ mà con người ta đáng được và phải được hưởng”. Cho đến ngày hôm nay, ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được một số  thành tựu nhất định, điều này minh chứng một điều rằng “ triết lí mười chữ vàng” mà Bác gửi trao chính là kim chỉ nam đã đưa đường dẫn lối và khiến chúng tôi luôn vững tin vào những giá trị mà bản thân mình đã chọn lựa đấu tranh trong suốt sự nghiệp Kiểm sát.

3

Các Cán bộ, kiểm sát viên thực hiện Nghi thức Tuyên thệ, đây là một lời thề danh giá, thiêng liêng của ngành Kiểm sát nhân dân

Chính trực là làm người phải đoan chính, cả cái ý nghĩ cũng như từng hành động đều phải ngay thẳng, không được vì nghĩ rằng nếu không ai biết thì sẽ làm việc không đứng đắn, dù chỉ là việc sai trái nhỏ nhặt. Trong công vụ được Đảng, Nhà nước, ngành và Nhân dân tín nhiệm giao phó, cán bộ Kiểm sát là một trong số ít người có đặc quyền là “cầm cân nảy mực”, vì mỗi một quyết định dù là nhỏ thôi cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của con người, trong đó đặc biệt là có quyền sống, quyền tự do và hơn thế nữa. Thế nên, mỗi một cán bộ Kiểm sát có tâm thì chắc chắn sẽ là những người luôn thận trọng xem xét nhiều khía cạnh trong một vấn đề, luôn đề cao lối sống ngay thẳng, cũng không vì cái xấu, cái ác đe dọa mà “quỳ gối khom lưng”.

6

             Người Cán bộ kiểm sát với phong thái cương nghị cùng những lời lẽ, lập luận chặt chẽ trong một phiên tòa tại Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

Khách quan tức là không được vì chủ quan mà thiếu soi xét thấu tình đạt lí. Hành trình sự nghiệp của chúng tôi đôi khi không thể tránh khỏi có lúc sẽ bị đặt để giữa lằn ranh là tiền tài, quyền lực và sự thật. Vào những lúc như thế, nếu một ai mảy may quên đi một trong những lời mà Bác đã từng dạy và cũng là trao cho ngành Kiểm sát thì đúng thật là mối họa. Họa đó không phải từ trên trời rơi xuống mà chính từ trong cái sự thiếu nhận thức, thiếu tu dưỡng của một người cán bộ mà ra. Những người cán bộ Kiểm sát như chúng tôi phải luôn luôn nhìn ra một điều rằng, mỗi một khi ai đó vì đồng tiền, vì quyền lực hay vì cả trăm ngàn thứ áp lực gì đó khác mà lại thiếu đi sự khách quan, không nhìn nhận đúng bản chất sự thật, xem thường những chứng cứ quan trọng, có lợi cho người khác thì thật không đáng khoác lên người cái màu áo thiên thanh – màu áo công lý, màu áo tự hào của ngành Kiểm sát Nhân dân.

Trong lần tâm sự cùng tôi khi vừa kết thúc một phiên tòa cuối cùng của năm 2023, một cán bộ kiểm sát viên cũng là một người anh, người Thầy của tôi trong đơn vị hiện tại và cũng bởi số năm mà anh ấy cống hiến trong ngành Kiểm sát đã xấp xỉ bằng cả tuổi đời của tôi. Ngày ấy, khi anh và tôi vừa bước ra khỏi phòng xử, anh nhìn quanh một lượt về phía cánh cửa cuối, nơi một bị cáo còn rất trẻ tuổi đang được đội cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải ra bên ngoài, trên tay vẫn còn chiếc còng sáng lóa và lạnh lùng. Sự lạnh lùng ấy khác hẳn với ánh mắt tuyệt vọng, còn đỏ hoe của người mẹ bị cáo đang còn đứng như trời chồng sau khi nghe Tòa tuyên án. Anh ( xin được giấu tên ), một người với bao nhiêu năm kinh nghiệm dày dặn trong cả điều tra, kiểm sát và tranh tụng, vậy mà lần ấy tôi đã thấy anh ở một hình ảnh rất “ khác”. Đối lập với vẻ tự tin khi tranh tụng và thực hiện quyền công tố tại phiên Tòa xét xử vụ án hình sự này, khi bước ra khỏi cửa, tôi đã thấy ở anh hiện rõ lên sự tiếc nuối..... tiếc nuối cho một kiếp người khi phải nhận mức án tử hình. Lần này đây, anh đã bảo vệ được cho công lý, cho lẽ phải và sự thật, truy tố đúng người đúng tội, nhưng anh đã không thể cứu nổi một con người mang trên thân lỗi lầm quá lớn, âu đó cũng là những gì mà mọi kẻ xấu phải trả giá, chỉ thương thay cho những đấng sinh thành ở lại, phải “người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh”. Và khi chia sẻ cùng tôi, anh cũng bảo:

    “ Chúng ta là kiểm sát viên, chúng ta được giao những trọng trách hết sức nặng nề, nhiệm vụ của chúng ta có thể gắn liền và ảnh hưởng đến quyền sống, quyền tự do,... của con người, đôi khi chúng ta sẽ bị đặt để hay phó thác giữa các lằn ranh thiện ác, đúng sai. Thế nên, với tư cách là một người anh, một tiền bối bao năm lăn lộn trong ngành Kiểm sát, anh khuyên em phải luôn luôn khách quan trong thực hiện mọi nhiệm vụ lớn nhỏ, từ hoạt động điều tra, truy tố cho đến kiểm sát xét xử.... Tuyệt đối đừng vì áo quan mũ mão, tiền tài danh lợi, vun vén cá nhân hay cả là với áp lực từ cái uy quyền của bọn xấu xa, độc ác mà quên đi sự khách quan chân chính của người cán bộ kiểm sát”.

7

      Tập thể lãnh đạo cùng các cán bộ, kiểm sát viên thuộc Văn phòng – Viện cấp cao 3

Thận trọng và khiêm tốn chính là hai đức tính cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng đối với một người cán bộ Kiểm sát. Thận trọng để bảo vệ ta, bảo vệ người và bảo vệ công lý, niềm tin của nhân dân. Trong một xã hội, dù là ở giai đoạn hay thời kì nào cũng đều có người tốt và kẻ xấu, phạm trù tốt xấu luôn đan xen với nhau trong từng bản thể con người, chỉ là cá nhân đó sẽ đấu tranh để phần nào trỗi dậy nhiều hơn mà thôi. Bởi thế, muốn hoàn thành được công việc của ngành Kiểm sát một cách xuất sắc thì yếu tố thận trọng là vô cùng cần thiết. Một trong những nhiệm vụ, chức năng đặc thù của ngành đó là điều tra, công tố và kiểm sát, và dù là nhiệm vụ, chức năng, công việc nào thì Bác yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải luôn ý thức tuyệt đối không được sao nhãng, thiếu cẩn trọng, nhất là trong các thời điểm mang tính quyết định. Trong thi hành công vụ, người cán bộ Kiểm sát luôn phải đối diện với nhiều hiểm nguy tiềm tàng, chưa kể nếu không thật thận trọng xem xét, đánh giá một cách sâu sắc nhiều khía cạnh thì sẽ từ đó gây ra sai phạm dẫn đến hậu quả đáng tiếc như oan, sai, bỏ lọt tội phạm....

Bên cạnh đó, với những trọng trách nặng nề được ngành giao phó cùng sự tự hào về chính những thành tựu mà bản thân mình đạt được thì người cán bộ Kiểm sát phải bảo đảm thực hành được sự khiêm tốn.  Một người sếp đã chia sẻ với tôi một triết lí sâu sắc:

              “ Chỉ khi khiêm tốn thì con người ta mới học được nhiều hơn”

  Khi nghe lời nói ấy, tôi nghĩ ngay đến hai chữ vàng cuối cùng mà Bác đã dạy cho ngành Kiểm sát chúng tôi. Qua đây, Bác muốn chúng tôi phải luôn khiêm tốn, bởi chỉ khi khiêm tốn, không tự cao tự đại thì con người ta mới mở lòng ra để tiếp thu thêm nhiều cái mới, cái hay hơn. Ngành của chúng tôi luôn luôn phải trau dồi học hỏi từng ngày, mỗi một kiến thức về pháp luật nói chung, những bộ luật, thông tư, nghị định, chỉ thị ... phải luôn được cập nhật và theo dõi về những nội dung sửa đổi bổ sung ( nếu có ) mỗi ngày. Đã hơn 5 năm kể từ khi triển khai cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ và đây cũng là nội dung sinh hoạt chính trị sâu rộng trong ngành kiểm sát, chúng tôi luôn nêu cao nhận thức rằng cán bộ, kiểm sát viên phải:

     “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”

  Vậy để vững và giỏi thì từng cán bộ kiểm sát phải lưu tâm thực hành kì được sự khiêm tốn, không khoe khoang và sính thành tích, đây chính là bài học mà người cán bộ cần khắc cốt ghi tâm để luôn phát triển và tiến bộ hơn từng ngày. 

9

Một buổi Lễ chúc mừng các kiểm sát viên thuộc Viện cấp cao 3 vượt qua kì thi nâng ngạch và được bổ nhiệm chức danh mới.

   Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát Nhân dân đã đạt được những thành tựu lớn nhỏ, qua đó nhận được nhiều bằng khen, Huân chương của Đảng và Nhà nước vì sự nghiệp bảo vệ nền tư pháp. Đây chính là sự khích lệ, niềm động lực và cũng là sự công nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân dành cho ngành Kiểm sát. Là một người hiện đang công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3), cũng là cấp dưới trực tiếp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tôi và những anh chị cán bộ, kiểm sát viên khác đều tuyệt nhiên không thể nào quên mười chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy..

    Nhân kỉ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, vị Lãnh tụ vĩ đại, người Cha già của dân tộc, chúng tôi một lòng hướng về anh linh của Bác. Ngày này vào 134 năm trước, dân tộc Việt Nam ta đã sinh ra một anh tài kiệt xuất, một vị anh hùng giải phóng nhân dân khỏi áp bức xiềng xích, đem lại hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho muôn nhà. Với trách nhiệm của thế hệ kế thừa, chúng tôi luôn hứa với Bác một điều sẽ làm sao cho xứng đáng là tương lai, là rường cột, là hi vọng của nước nhà. Đặc biệt sẽ mãi mãi giương cao ngọn cờ bất khuất của những chiến sĩ kiên trung trong sự nghiệp bảo vệ nền tư pháp nước nhà, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quang vinh.

 

                                                          Huỳnh Tấn Thành – Văn phòng